Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời


(Samtrix.vn) - Hộ dân thay vì đầu tư mua xe máy, có thể bỏ tiền lắp đặt pin năng lượng mặt trời để sử dụng cho gia đình mình và bán lại cho lưới điện quốc gia, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương nói.







Đó cũng là một phần nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của Chính phủ để đạt mục tiêu một nửa hộ gia đình sử dụng năng lượng mặt trời vào năm 2050 mà Việt Nam đã đề ra.

Tại Hội thảo về phát triển năng lượng tại Việt Nam do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức ngày 24-5, các đại biểu cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đầu tư do điện than là hiểm họa môi trường đối với quốc gia và toàn cầu trong những thập niên sắp tới. Điện than thường được coi là nguồn điện rẻ nhưng lại là nguyên nhân gây phát thải nhà kính, là hiểm họa môi trường. Ở Việt Nam, sản xuất điện vẫn phụ thuộc vào than tức là vẫn đang đi ngược lại xu hướng thế giới, trong khi thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn và cần có chính sách đúng đắn để thực hiện những cam kết và tối ưu hoá lợi ích từ năng lượng tái tạo.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đầu tư do điện than là hiểm họa môi trường đối với quốc gia và toàn cầu trong những thập niên sắp tới.


Ông Bakhodir Burkhanov phát biểu tại Hội thảo.


“Nguyên nhân của tình trạng này là do điện than thường được coi là nguồn điện rẻ và gánh nặng lớn do điện than gây ra thường không được tính đến trong các lựa chọn chính sách và ngân sách. Việc khai thác, vận chuyển và sử dụng than chứa đựng nhiều chi phí ẩn đối với nền kinh tế, môi trường, thu nhập hộ gia đình và sức khoẻ của người dân. Tuy vậy, việc khai thác, vận chuyển và sử dụng than vẫn được gián tiếp ủng hộ, gây tổn hại cho nhà nước, tức là người nộp thuế”, – ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết.

Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó mục tiêu chung của chiến lược là giảm 25% phát thải khí nhà kính và phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030. Một trong những trọng tâm của chiến lược năng lượng tái tạo là ưu tiên các công nghệ đã được công nhận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối và khí sinh học.

“Chiến lược này nhằm khuyến khích và huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý để tăng dần thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia”, ông Phạm Trọng Thực cho biết.

Theo ông Thực, “điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn hoá thạch và góp phần cải thiện an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Các chuyên gia quốc tế bày tỏ hy vọng rằng chính sách này sẽ đẩy mạnh năng lượng tái tạo, đặt biệt là năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời cũng như tạo ra nước nóng từ năng lượng mặt trời.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cũng đã đưa ra nghiên cứu về chương trình phát triển năng lượng gió ở Việt Nam. UNDP cũng giới thiệu nghiên cứu mới về “Xanh hóa nguồn năng điện hỗn hợp: Chính sách mở rộng quang điện mặt trời ở Việt Nam”.

Nghiên cứu của UNDP nhấn mạnh lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng. Nghiên cứu cho thấy, quang điện mặt trời có rất ít tác động tiêu cực đối với môi trường, sức khoẻ và sinh kế trong khi phát điện từ năng lượng mặt trời có thể giúp các cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng như các doanh nghiệp lớn và nhỏ cải thiện việc cung cấp điện và giảm hóa đơn tiền điện.

UNDP khuyến nghị cần điều tiết mức “Giá bán cho lưới điện” (FiT) là 15 cent USD/kWh đối với các nhà máy quang điện mặt trời trên đất liền, và 19 cent USD/ kWh đối với các nhà máy điện ngoài đảo trong vòng 20 năm. UNDP cũng khuyến nghị cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hoà lưới ở các vùng sâu và hải đảo. Đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời cộng đồng.


THẢO LÊ

Nên điều tiết giá điện từ năng lượng mặt trời khoảng 3.300 đồng/kWh

Ngày 24-5, tại Hà Nội, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội thảo về phát triển năng lượng tại Việt Nam.


Theo các chuyên gia, thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn và cần có chính sách đúng đắn để thực hiện những cam kết và tối ưu hóa lợi ích từ năng lượng tái tạo. Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo, cho biết, một trong những trọng tâm của chiến lược năng lượng tái tạo là ưu tiên các công nghệ đã được công nhận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối và khí sinh học. Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn hóa thạch và góp phần cải thiện an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


1468488


Nhấn mạnh lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng, UNDP khuyến nghị cần điều tiết mức “giá bán cho lưới điện” khoảng 3.300 đồng/kWh đối với các nhà máy quang điện mặt trời trên đất liền; gần 4.200 đồng/kWh đối với các nhà máy điện ngoài đảo trong vòng 20 năm. UNDP cũng cho rằng, cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hòa lưới ở các vùng sâu và hải đảo, đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời cộng đồng.


QUANG MINH

Nhà máy điện mặt trời nổi ngày càng phổ biến

(Samtrix.vn) - Trong những năm gần đây, giá công nghệ điện năng lượng Mặt trời giảm nhanh đã đẩy lợi nhuận gia tăng và thúc đẩy thị trường này có những bước phát triển vượt bậc.






Những tấm thu năng lượng Mặt trời nổi được đặt trên hồ chứa nước Yamakura Dam của Nhật bản. Ảnh: architecturaldigest.com

Theo công ty xây dựng nhà máy điện Mặt trời Kyocera, trong hai năm qua công ty này đã bắt tay vào việc lắp đặt hơn 50.000 tấm pin năng lượng Mặt trời trên mặt hồ chứa Yamakura Dam, thuộc tỉnh Chiba, Nhật Bản.

Dự kiến khi đưa vào vận hành, những tấm pin nổi này sẽ cung cấp hơn 16.000 megawatt điện mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 5.000 hộ gia đình.

Dự án Yamakura Dam khi hoàn thành sẽ trở thành nhà máy điện năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật Bản, hiện công nghệ năng lượng Mặt trời nổi đang ngày càng trở nên thịnh hành tại Australia và Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng những dãy pin năng lượng Mặt trời nổi có nhiều lợi thế hơn so với các pin năng lượng Mặt trời lắp đặt trên mặt đất. Việc mua hoặc thuê đất để lắp đặt pin Mặt trời thường đắt đỏ và phức tạp hơn so với việc xây dựng, lắp đặt trên các mặt hồ tự nhiên, hồ xử lý nước thải hoặc các mặt nước không sử dụng khác.

Không giống như các nhà máy điện năng lượng Mặt trời đặt trên mặt đất, các pin năng lượng Mặt trời có thể được ngụy trang để không làm thay đổi cảnh quan trên mặt hồ. Công nghệ này hiện đang được công ty năng lượng điện sạch phi lợi nhuận Sonoma nghiên cứu.

Hiện Sonoma đã giành được hợp đồng xây dựng, lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt trời ở sáu hồ xử lý nước lớn nhất tại Nhật Bản. Những tấm pin năng lượng Mặt trời này sẽ được sử dụng công nghệ cao nên có thể ngụy trang và không thể được nhìn thấy khi đi trên đường.

Những tấm pin Mặt trời còn có tác dụng giữ cho nước không bị bay hơi, rất phù hợp với những khu vực hay khô hạn và nhiều tảo, bên cạnh đó còn có hiệu suất cao hơn so với các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên mặt đất do được làm mát bởi nước.

Tại Australia, hồi năm ngoái, công ty Infratech Industries cũng đã hoàn thành giai đoạn đầu xây dựng nhà máy điện từ pin năng lượng Mặt trời nổi ở 5 hồ xử lý nước. Khi đưa vào vận hành, hiệu suất của tổ máy đã tăng 57% so với việc lắp đặt trên mặt đất.

Dự kiến khi toàn bộ nhà máy được đưa vào hoạt động, lượng điện năng sinh ra sẽ tăng thêm khoảng 20% so với lượng điện năng của các nhà máy có các pin năng lượng được lắp đặt trên mặt đất với cùng công suất.

Hiện nay, công ty Infratech Industries đang tiếp tục thực hiện dự án tại Holtville, một thành phố nhỏ ở miền Nam California, Mỹ, nơi thường xuyên đối mặt với hạn hán trong nhiều năm qua.

Các tấm pin nổi được sơn lớp sơn chống ăn mòn và được lắp trên hệ thống rãnh có thể di chuyển đến những vị trí có nhiều ánh sáng Mặt trời nhất, do đó giúp nâng cao hiệu quả đáng kể so với các tấm pin được đặt cố định trên mặt đất.

Tuy nhiên, việc lắp đặt, sử dụng pin nổi cũng gặp những thách thức nhất định. Ví dụ như các tấm pin nổi sẽ phải chịu áp lực gió nhiều hơn so với các tấp pin lắp trên mặt đất. Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ pin nổi có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho chủ sở hữu.

Tại Los Angeles, cơ quan quản lý nước đã phải chi tới 34,5 triệu USD để làm tấm nhựa bao phủ mặt hồ nhằm ngăn hiện tượng nước bốc hơi. Nếu lắp đặt hệ thống pin Mặt trời, các cơ quan chức năng vừa có thể tạo ra năng lượng, vừa có thể ngăn chặn được việc nước bốc hơi.

Công ty Kyocera cho rằng lý do khiến họ quyết định sử dụng công nghệ pin nổi là vì hiện nay công nghệ này đang trở nên phổ biến tại Nhật Bản, bên cạnh đó, việc có được diện tích đất rộng để lắp các tấm pin Mặt trời phải tốn chi phí lớn. Mặt khác, chi phí lắp đặt các tấm pin nổi cũng rẻ hơn so với việc lắp đặt trên mặt đất.

Công ty Far Niente tại Oakville, California cũng cho biết năm 2008 họ đã lắp đặt các pin năng lượng Mặt trời nổi trên ao tưới của mình. Điều đáng ngạc nhiên là môi trường sinh thái và các cá thể sinh vật, động vật sống tại đó không hề bị ảnh hưởng bởi việc lắp đặt các tấm pin nổi. Hiện có nhiều đoàn khách từ các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore đã đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm lắp đặt pin nổi của công ty./


Hữu Hoàng (P/v TTXVN tại New York)

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Vương quốc giàu có Dubai vừa phá kỷ lục về giá điện mặt trời: rẻ bằng 1/3 giá điện ở Việt Nam

Một mức giá điện thấp kỷ lục vừa được thiết lập, nó cho thấy một bước tiến dài quan trọng của điện mặt trời khi thế giới đang đứng trước sức ép nhanh chóng giảm lượng khí CO2 phát thải.



Vương quốc Dubai thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời vào ngày 01 tháng Năm vừa qua. Công ty Dubai Electricity and Water Authority đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án nhà máy điện mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3.00 US cent (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện. Mức giá này không chỉ thấp so với điện mặt trời, mà còn dễ dàng đánh bại các lựa chọn về điện sử dụng năng lượng hóa thạch tại Dubai.


Ở Việt Nam, mức giá điện rơi vào khoảng 1700 VNĐ/kWh.


Tại thời điểm mở thầu, DEWA chỉ dự định cho một cơ sở sản xuất 200 MW điện xoay chiều, nhưng với các tùy chọn trong những giai đoạn tiếp theo, dự án này đang có tiềm năng trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 800 MW. Dự án nhà máy điện mặt trời này sẽ được vận hành như một cơ sở sản xuất điện độc lập (IPP), được xây dựng bằng hình thức BOT, với các nhà thầu đề xuất một giải pháp kỹ thuật và tài chính, sau đó họ sẽ sở hữu và vận hành trong 25 năm.







Mức giá thầu thấp nhất được đưa ra bởi Liên doanh giữa hãng Masdar của Abu Dhabi và nhà phát triển FRV của Tây Ban Nha (đã bị thâu tóm bởi tập đoàn Abdul Latif Jameel của Ả Rập Xê út năm 2015). Ngoài ra theo những người trong ngành, mức giá thấp thứ hai thuộc về nhà sản xuất và phát triển Module điện mặt trời của Trung Quốc, JinkoSolar với mức giá 3,69 cent/kWh (tương đương 820 VND). Đứng thứ ba là Liên doanh giữa công ty điện Acwa Power của Ả Rập Xê Út và First Solar, người tiên phong sản xuất pin mặt trời dạng phim mỏng của Mỹ, với mức giá 3,96 cent/ kWh (tương đương 880 VND).


Hai liên doanh của Pháp, một giữa Engie và công ty Marubeni của Nhật đứng thứ tư với mức giá 4,44 cent/ kWh (tương đương 986 VND) và một giữa hãng EDF với Nebras Power của Qatar đứng thứ năm với mức giá 4,48 cent/kWh (tương đương 995 VND).


Mức giá này là một kết quả đáng ghi nhận khi họ kết thúc chuỗi chiến thắng của công ty Acwa Power, người đã giành chiến thắng trong hai lần đấu thầu trước của DEWA IPP, nhà máy Sheikh Maktoum Solar Park Phase II và gần đây là nhà máy điện chạy than Hassyan. Lần này Acwa đã bị đánh bại bởi JinkoSolar, công ty không chỉ dẫn đầu thế giới về mức giá cho các module điện mặt trời, mà còn cho thấy năng lực của mình trong việc phát triển các dự án với chi phí rất cạnh tranh.


Tuy nhiên, mức giá thầu thấp nhất lại thuộc về Liên doanh giữa Masdar FRV và ALI. Trước đó, liên doanh FRV/ALI cũng đã bị chính Acwa vượt qua khi đấu thầu dự án nhà máy Sheikh Maktoum Solar Park Phase II. Nhưng lần này, có vẻ họ đã tìm được công thức cho chiến thắng của mình, khi hợp tác với Masdar, còn được biết đến với tên Công ty Abu Dhabi Future Energy, một chi nhánh của quỹ đầu tư Mubadala.







Nhiều người có thể sẽ thắc mắc làm thế nào các nhà thầu có thể đưa ra mức giá thấp như vậy? Đóng góp lớn nhất cho mức giá thấp này là chi phí vốn thấp hơn cho dự án, phần lớn đến từ chi phí các bộ phận thấp hơn và các thiết kế hệ thống hiệu quả hơn (hệ thống sắp xếp các tấm pin mặt trời). Một yếu tố kỹ thuật quan trọng khác góp phần tạo nên mức giá thấp này là sự phổ biến rộng rãi của công nghệ theo dõi trục đơn, giúp các tấm pin mặt trời có thể xoay theo hướng tối ưu với mặt trời.


Công nghệ này cho phép tăng thêm gần 15% lượng điện thu được so với các hệ thống trục cố định, làm giảm hơn nữa chi phí của cả hệ thống.


Đánh bại điện hóa thạch về chi phí


Mặc dù thất bại, nhưng ngay cả mức giá đứng thứ hai và thứ ba trong cuộc đấu thầu này cũng đánh dấu mốc quan trọng và chưa từng có về sự tiến bộ của năng lượng tái tạo. Cả ba mức giá thầu thấp nhất này tự nó đã lập nên kỷ lục thế giới mới về chi phí cho điện mặt trời mà không cần các biện pháp trợ cấp. Công ty Enel Green Power của Mexico gần đây cũng tham gia đấu thầu với mức giá 3,6 cent/ kWh (tương đương 800 VNĐ) nhưng chưa bao gồm chi phí bổ sung cho các chứng nhận năng lượng xanh. Mức giá điện mặt trời tại Mỹ thường xuyên thấp hơn 3 cent/kWh nhưng chưa bao gồm ưu đãi thuế 30% và các trợ cấp khác.







Bên cạnh việc lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời, mức giá thầu này còn cho thấy nhà máy điện mặt trời quy mô lớn giờ có thể đánh bại các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch về chi phí. Tháng Mười 2015, dự án nhà máy điện chạy than Hassyan của DEWA đã thắng thầu với mức giá cao hơn nhiều, 4,501 cent/kWh (tương đương 1.000 VND), trong khi đó các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tại Dubai có mức giá thậm chí còn cao hơn nữa, dù đây là một nguồn tài nguyên dồi dào của tiểu vương quốc này.







Một hiệu ứng toàn cầu


Sự kiện này dù không bất ngờ với những người trong ngành, nhưng kết quả của việc đấu thầu lần này sẽ tạo ra một cơn địa chấn cho thị trường năng lượng toàn cầu. Lúc này, các nhà máy điện hóa thạch không chỉ chịu các áp lực phải giảm lượng phát thải khí carbon do Thỏa thuận về khí hậu tại Paris, mà còn bởi lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về chi phí của điện mặt trời (và cả điện gió). Chỉ vài năm trước, không ai có thể tưởng tượng rằng điện mặt trời sẽ đánh bại toàn bộ nguồn năng lượng hóa thạch vào năm 2016.


Kết quả này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển điện mặt trời trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước có lợi thế về nắng mặt trời với nhu cầu về điện đang tăng cao. Dubai và các quốc gia xung quanh đang tìm cách xây dựng các nhà máy điện mặt trời có quy mô tương tự. Công ty điện của Abu Dhabi, ADWEA vừa mới đưa ra gói thầu cho một nhà máy điện mặt trời với công suất 350 MW.


Tham khảo Apricum-Group

Các cường quốc "chạy đua" phát triển điện mặt trời

Năm 2015, Trung Quốc đã qua mặt Đức trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.


1468485


Raed Khader, một tài xế ở Jordan, có một thói quen “nguy hiểm” là lướt điện thoại trong khi đang lái xe, mặc dù ông đang lái trên một con đường thẳng tắp cắt ngang qua sa mạc. Nhưng sau khi xem lại những tấm hình chụp 2 năm trước, ông thấy một bức ảnh khiến ông thích thú. Đó là tấm hình về những chú lạc đà với khung cảnh đầy cát ở xung quanh. Hiện tại cũng cùng vị trí đó bên ngoài Ma’an, một thành phố nghèo ở phía Nam Jordan, lại là cảnh tượng các công nhân đang ráo riết hoàn tất giai đoạn cuối của dự án lắp đặt 5 km2 các tấm pin năng lượng mặt trời.

Ông bị mê mẩn bởi các tấm pin quang điện lấp lánh dưới ánh nắng của sa mạc. “Tôi yêu chúng. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy đất nước phát triển được nguồn năng lượng của riêng mình. Chúng tôi có nhiều nắng ở đây mà lại hoàn toàn miễn phí. Tại sao lại không tận dụng chúng chứ?”, ông nói.

Công viên năng lượng mặt trời có công suất 160 MW này, vốn dự kiến sẽ được khai trương vào mùa hè năm nay, sẽ đánh dấu nỗ lực của Jordan trong việc giảm lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, vốn chiếm 96% năng lượng của đất nước vào năm ngoái và “ngốn” tới 10% GDP. Sống trong một khu vực với những hàng xóm “không mấy thân thiện”, Jordan càng có lý do để “tự lực cánh sinh”. Nước này đã tăng cường phát triển năng lượng mặt trời sau khi Ai Cập tạm thời cắt nguồn cung khí đốt trong suốt sự kiện Mùa xuân Ả Rập vào năm 2011.

Không chỉ ở Jordan, ở các nước đang phát triển, năng lượng mặt trời ngày càng gầy dựng được uy tín. Không phải là các tấm pin lắp trên mái nhà thường thấy ở Đức, những quốc gia mà có ánh nắng mặt trời mạnh hơn nhiều so với vùng Bắc Âu đang thành lập những công viên khổng lồ với hàng chục ngàn tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho lưới điện quốc gia. Một số nước như Trung Quốc còn cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng để phát triển nguồn năng lượng này. Thậm chí, tại những nước khác, năng lượng mặt trời đang trở nên cạnh tranh hơn dù không hề nhận được sự hỗ trợ tài chính nào.

Vào năm 2015, Trung Quốc đã qua mặt Đức trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, nhờ thống trị lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời và các chính sách giảm lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch như than đá. Năng lượng mặt trời dù chỉ chiếm 3% tổng lượng điện nhưng Trung Quốc giờ đang xây dựng nhà máy lớn nhất ở sa mạc Gobi. Các chuyên gia phân tích dự kiến nước này sẽ lắp đặt 12 GW năng lượng mặt trời trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 1/3 so với con số kỷ lục mà Mỹ dự kiến lắp đặt trong cả năm.

Ấn Độ cũng không chịu kém. Chính phủ nước này đang đạt mục tiêu tăng gấp 20 lần công suất năng lượng mặt trời vào năm 2022 lên tới 100 GW. Mặc dù điều này có thể là quá tham vọng nhưng KPMG cho rằng tỉ trọng năng lượng mặt trời của Ấn Độ sẽ tăng lên mức 12,5% vào năm 2025 từ mức chưa tới 1% hiện nay. Hãng tư vấn này cho rằng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ sẽ rẻ hơn than đá vào năm 2020. Cơn sốt năng lượng mặt trời nóng đến nỗi các quan chức ở bang Punjab đầy nắng nóng đang thúc giục nông dân cho các công ty phát triển năng lượng mặt trời thuê đất, thay vì canh tác trên đó.


 1468488


Năm ngoái, công suất năng lượng mặt trời đã tăng 26%, dẫn đầu là các dự án lớn tại 2 quốc gia nói trên. Đáng chú ý hơn là chi phí năng lượng mặt trời đã giảm mạnh. Các nghiên cứu cho thấy năng lượng mặt trời đang tiến gần với khí và than đá như một dạng năng lượng rẻ một cách hấp dẫn. Các cuộc đấu thầu hợp đồng dài hạn mua điện mặt trời cũng rất sôi nổi tại các nước đang phát triển như Nam Phi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Peru và Mexico.

Tại những quốc gia có nhiều nắng, năng lượng mặt trời giờ “ngang hàng” với khí, than đá và năng lượng gió, theo Cédric Philibert, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ông cho biết, kể từ tháng 11.2014, khi Dubai đã ký một hợp đồng lắp đặt 200 MW năng lượng mặt trời với giá chưa tới 60 USD/MWh thì giá tại các cuộc đấu thầu đã trở nên cực kỳ cạnh tranh.

Một số nhà phát triển năng lượng tái tạo đang giành được tiếng tăm trên toàn cầu. Phần thắng trong cuộc đấu thầu ở Dubai đã thuộc về Acwa Power, một công ty Ả Rập Saudi đang tạo được những bước tiến lớn khắp Trung Đông và châu Phi. Tại Morocco, Acwa Power đã hoàn tất giai đoạn đầu dự án năng lượng nhiệt mặt trời lớn nhất thế giới, vốn sử dụng các tấm gương để tạo ra nhiệt quay các tua-bin điện. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cho rằng nhà máy được hoàn thành sẽ cắt giảm chi phí nhập khẩu dầu mỏ của Morocco thêm 0,3% GDP.

Công ty Enel Green Power (EGP) của Ý cũng đang thu hút sự chú ý. Vào tháng 2, Công ty đã thắng hợp đồng 20 năm cung cấp cho Peru nguồn điện mặt trời với giá dưới 48 USD/MWh. Chỉ hơn 1 tháng sau, Mexico đã ký một hợp đồng có thời hạn tương tự tại bang phía Bắc Coahuila với giá khoảng 40 USD/MWh. Hãng nghiên cứu Bloomberg New Energy Finance (BNEF) gọi đó là “hợp đồng năng lượng mặt trời không trợ cấp có giá thấp nhất từ trước đến nay mà chúng tôi từng chứng kiến”. Antonio Cammisecra, đứng đầu mảng phát triển kinh doanh của EGP, cho biết giá đang giảm và đó là một xu hướng thấy rõ.

Yếu tố chính đằng sau việc giá giảm là chi phí các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm tới 80% kể từ năm 2010, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế. Nhưng Cammisecra cho rằng điều đó có thể sẽ thay đổi. Giữa tháng 4 vừa qua, ông đã đi sang Trung Quốc để thuyết phục các nhà sản xuất tấm pin năng lượng đầu tư nhiều hơn vào cải tiến công nghệ nhằm gia tăng lượng điện tạo ra. Chi phí đầu tư nhiều hơn cũng có nghĩa là giá sẽ cao hơn.

Các chuyên gia phân tích cũng lo ngại một số cuộc đấu thầu có thể hơi “quá khích”, dù rằng các công ty có thể bị phạt nặng nếu họ không thực hiện hợp đồng. Ông Philibert cho biết một số hợp đồng có thể thất bại vì đơn vị đấu giá không huy động được nguồn tài chính.

Jordan là một ví dụ. Sunrise, một công ty phát triển năng lượng mặt trời của Hy Lạp, năm ngoái đã đồng ý xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời 50 MW ở phía Bắc Amman với giá chỉ 61 USD/MWh. Mức giá này được các đối thủ cho là quá rẻ vì chi phí tài trợ vốn tương đối cao tại Jordan. Tháng 3 vừa qua, để cứu vãn hợp đồng này, Acwa Power đã mua lại chi nhánh Jordan thuộc Sunrise mà phụ trách xây dựng dự án năng lượng mặt trời nói trên. Các chuyên gia phân tích cho rằng Acwa sẽ khó kiếm lời từ dự án này, nhưng điều đó có thể giúp Acwa giành được các hợp đồng năng lượng mặt trời trong tương lai.

Văn Quốc

Nguồn The Economist