Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Ninh Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư Điện mặt trời

[Samtrix.vn] - Chiều 31/5, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện mặt trời với tổng số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.



Chiều 31/5, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện mặt trời sắp được triển khai đầu tư tại các địa phương trong tỉnh, với số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Đây là những dự án sẽ được tiến hành khởi công vào quý II và quý III của năm 2018, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019, với công suất gần 500 MW.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận bày tỏ mong muốn các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.

UBND tỉnh Ninh Thuận luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo đúng quy định để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa cũng như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, ông Vĩnh cam kết.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư cần thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp như đầu tư thi công đúng thời gian, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động; đồng thời quan tâm thu hút giải quyết việc làm cho lao động địa phương; chăm lo an sinh xã hội, tạo sự gắn kết bền chặt giữa doanh nghiệp với địa phương.

Ông Trương Xuân Vỹ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, chỉ trong tháng 5/2018, Ninh Thuận đã có 41 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký trên 590 tỷ đồng, tăng 24,2% số doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2018 là 197 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, tăng 12,6% số doanh nghiệp và vốn đăng ký cũng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã có 15 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, với quy mô công suất gần 800 MW, tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Đối với điện mặt trời, đến nay Ninh Thuận cũng đã có 27 dự án được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất 1.808,79 MW./.

Google đầu tư điện mặt trời nối lưới trên mái nhà tại Anh

[Samtrix.vn] - “Gã khổng lồ” công nghệ thế giới Google thúc đẩy thêm một bước nữa trong việc tham gia vào thị trường năng lượng sạch đầy tiềm năng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi triển khai “Dự án mái nhà Điện Mặt Trời”.



Tập đoàn Google vừa đưa vào thị trường nước Anh dịch vụ mới có tên gọi “Dự án mái nhà Điện Mặt Trời” (Project Sunroof). Cùng với đối tác là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu Eon của Anh, dự án của Google nhằm giúp các hộ gia đình tại xứ sở sương mù đo năng lượng mặt trời mà mái nhà họ có khả năng hấp thụ được thông qua sử dụng các dữ liệu từ các ứng dụng Earth và Maps của “ông lớn” công nghệ này. Google tin rằng sử dụng dịch vụ của họ và chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giúp các hộ gia đình ở Anh tiết kiệm được đáng kể tiền điện.

Dự án Sunroof được Google triển khai đồng loạt ở tại nhiều vùng của Anh gồm Birmingham, Brighton, Liverpool, Newcastle, Reading và một số khu vực của Thủ đô London. Sự tham gia của Google sẽ khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường năng lượng sạch ở Anh thêm phần quyết liệt bởi trước đó một số công ty khác cũng đã triển khai loại hình dịch vụ tương tự tại nước này như Hãng Ikea (Thụy Điển) phối hợp cùng Solarcentury, và Tesla (Mỹ) cũng đưa ra thị trường dịch vụ tính toán năng lượng mặt trời mái nhà của họ.

Dù vậy, theo đánh giá lợi thế lại có thể thuộc về “người đến sau” là Google khi những công ty đi trước lại thường yêu cầu các gia chủ phải cung cấp các dữ liệu liên quan đến nhà của họ như diện tích mái nhà, hay cấu trúc nhà, sau đó công ty mới dựa trên các thông tin này để tính toán lượng năng lượng mặt trời mà ngôi nhà đó có thể thu được. Trong khi đó, dịch vụ của Dự án Sunroof của Google giúp các chủ nhà thuận lợi hơn vì Google tự động đo đạc tính toán các dữ liệu mái nhà, cảnh quan xung quanh ngôi nhà của họ thông qua sử dụng hình ảnh của Google Earth.

Dự án Sunroof tại Anh là một bước tiến mới của “gã khổng lồ” Google trong việc tìm kiếm cơ hội trên thị trường năng lượng xanh của thế giới. Trước đó, các dịch vụ Dự án Sunroof đã được Google triển khai đầu tiên tại Mỹ năm 2015, sau đó là Đức vào năm 2017.

Sunroof là dự án không phức tạp về công nghệ nhưng rất thông minh của Google. Theo đó, khách hàng dùng dịch vụ của dự án sẽ được sử dụng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao để đo diện tích mái nhà của người dùng và tính xem gia chủ có thể sử dụng bao nhiêu năng lượng thu về từ ánh sáng mặt trời. Dịch vụ Sunroof của Google cũng cung cấp ước lượng số quang năng mà mái nhà sẽ thu được mỗi năm, bao gồm những thời điểm mái nhà bị che bởi bóng cây hoặc bóng mát của các ngôi nhà xung quanh, đồng thời tính toán định hướng lắp đặt pin trên mái và sự ảnh hưởng của thời tiết.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể nhập vào các hóa đơn điện thường nhật để tinh chỉnh kết quả. Các thông tin này sẽ được kết hợp trong bảng tính để tổng kết xem người dùng đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Sau đó, Google sẽ liên kết với nhà cung cấp thiết bị thu năng lượng mặt trời địa phương để hỗ trợ người dùng lắp đặt các tấm pin mặt trời phù hợp.

Tiện ích thiết thực nhất của người dùng sẽ biết được sản lượng điện làm ra từ các tấm pin mặt trời trên mái nhà của mình và biết sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện nếu dùng dịch vụ của Dự án Sunroof. Đây là nhân tố khuyến khích mọi người sử dụng các nguồn năng lượng sạch giúp bảo vệ môi trường, biến mái nhà của mình thành một nhà máy năng lượng mặt trời thu nhỏ. Đó cũng là một thị trường vô cùng tiềm năng bởi năng lượng mặt trời là cực lớn khi mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới (1 TW = 1.000 tỉ W).

Hàng trăm dự án Điện mặt trời xin bổ sung quy hoạch

[Samtrix.vn] - Có khoảng 150 dự án điện mặt trời, với tổng công suất không dưới 16.000 MWp đã được các tỉnh và nhà đầu tư đăng ký tới Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch.



Bùng nổ vì giá điện mặt trời 

Sau Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành hồi tháng 4/2017 với điểm mấu chốt là giá mua điện mặt trời tương đương 9,35 UScents/kWh (tương đương 2.068 đồng thời điểm đó), đã có một cuộc đổ bộ vào lĩnh vực này.

Không chỉ đổ bộ, các nhà đầu tư điện mặt trời đang guồng hết tốc lực để chạy đua khi theo các quy định hiện hành, giá mua điện tương đương 9,35 UScents/kWh chỉ áp dụng cho nhà máy điện mặt trời nối lưới có thời điểm vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 và kéo dài trong thời gian 20 năm, kể từ ngày vận hành thương mại.

So với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện đang bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh, có thể thấy ngay hiệu quả nếu dự án được triển khai suôn sẻ.

Theo báo cáo của Bộ Công thương ngày 26/4/2018, tổng quy mô công suất các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là khá lớn. Trong đó, riêng Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung trên 70 dự án đưa vào vận hành trước thời điểm tháng 6/2019, với tổng quy mô công suất trên 3.000 MWp.

Tuy nhiên, chính Bộ Công thương cũng thừa nhận, quy mô này đã vượt hơn nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt.

Trước đó, tại Quyết định 428/2016/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, công suất điện mặt trời tới năm 2020 sẽ là 850 MW và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025, sau đó đạt 12.000 MW vào năm 2030.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, ở thời điểm trước cuộc họp này, Bộ Công thương đã nhận được đề xuất của các chủ đầu tư và các địa phương về điện mặt trời với tổng công suất khoảng 17.000 MWp.

Chạy đua với điện mặt trời 

“Chúng tôi đang chạy đua với mốc tháng 6/2019, phải đưa nhà máy điện mặt trời vào vận hành thương mại thì mới được hưởng mức giá tương đương 9,35 Uscent/kWh theo quy định của Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Nếu không kịp mốc này, doanh nghiệp sẽ gặp không ít rủi ro, bởi chưa biết mức giá mua điện mặt trời sau tháng 6/2019 sẽ như thế nào. Nếu giá điện mặt trời giảm còn khoảng 7 UScents/kWh thì cũng khá lo lắng”, chủ một doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện mặt trời có quy mô công suất 47 MW tại khu vực Tây Nguyên cho phóng viên Báo Đầu tư hay.

Trên thực tế, nhà đầu tư này đã thực hiện các bước chuẩn bị cho dự án từ 3 năm nay, chứ không phải tới khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg mới bắt đầu chạy đua. Dù không lo lắng về phần đất để lắp đặt trang trại điện mặt trời, nhưng chỉ riêng phần đường dây từ Dự án tới điểm đấu nối được thỏa thuận với ngành điện dài 3,5 km cũng tốn khá nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

“Giá thiết bị năng lượng mặt trời hiện là khoảng 600.000 USD/MWp công suất đặt. Tuy nhiên, đây chỉ là giá thiết bị. Để vận hành được dự án thì còn phải có đất để dựng các tấm panel, đường dây để đấu nối với hệ thống điện. Ước tính, phải cỡ 1 triệu USD/MWp công suất lắp đặt”, nhà đầu tư này nói.

Vẫn theo ông này, chọn được vị trí để làm trang trại điện mặt trời có thể không khó, nhưng tìm được điểm đấu nối để tải được công suất của dự án lên lưới điện quốc gia lại không đơn giản.

“Không phải cứ nhìn thấy đường dây truyền tải ở gần cạnh là có thể đấu nối dự án điện mặt trời được, vì phụ thuộc rất lớn vào công suất hiện hữu của đường truyền tải. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng với người dân không bao giờ nhanh như dự tính của nhà đầu tư”, vị này phát biểu.

Cho rằng, phát triển điện mặt trời là ưu việt, phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, nhưng các chuyên gia điện cũng bày tỏ lo ngại về sự bùng nổ nguồn cung từ điện mặt trời nói riêng cũng như các nguồn năng lượng tái tạo nói chung trong điều kiện vận hành thực tế của lưới điện Việt Nam.

Ở góc độ điều hành, vận hành hệ thống điện của cả nước, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia A0 cho hay, do điện mặt trời không ổn định, trong khi tiêu thụ điện là tức thì, nên khi điện mặt trời giảm đột ngột vì các yếu tố tự nhiên như mưa, mây che…, thì sẽ phải có nguồn điện dự phòng ngay lập tức để bù đắp thiếu hụt này. Như vậy, theo ông Cường, sẽ cần đầu tư các nhà máy điện trong hệ thống để đáp ứng nhu cầu đó và việc này cũng sẽ gây áp lực lên cho giá điện nói chung.

“Các nước đều quy định một tỷ trọng nhất định nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho nền kinh tế”, ông Cường nói. Theo ông Cường, một số nước (như Đức), tỷ lệ này là 40% công suất hệ thống.

Cũng ở góc độ vận hành, bà Trần Thu Trà thuộc Ban Quản lý đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, điện mặt trời chịu tác động của mây, gió và cường độ nắng, nên khi các yếu tố này thay đổi sẽ ảnh hưởng ngay đến điện áp của hệ thống điện. Trong khi đó, bên cung cấp điện là EVN, dù không gây ra sự thiếu ổn định về điện áp, song vẫn có thể bị phạt theo hợp đồng.

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Người dân Sài Gòn đổ xô lắp đặt "điện mặt trời" trên mái nhà

Người Sài Gòn đổ xô lắp đặt điện năng lượng mặt trời nối lưới
Hàng trăm gia đình tại TP HCM tận dụng sân thượng lắp đặt pin năng lượng mặt trời, tự sản xuất điện để dùng, số dư đem bán cho ngành điện.
Tham khảo : www.samtrix.vn hoặc đăng ký lấy báo giá : https://goo.gl/Jg3nw3

[embed]https://youtu.be/iAlYhpbT_-8[/embed]

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng các dự án Điện mặt trời

Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh mục các dự án nhà máy điện mặt trời đã phê duyệt trước ngày 15/7/2018.



Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc bổ sung một số dự án nhà máy điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Công Thương hôm 26/4/2018.

Thông báo nêu rõ, việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện nay đã bộc lộ một số khó khăn và hạn chế. Trong đó, nhiều dự án nguồn điện có tiến độ chậm so với kế hoạch, nhất là các dự án nguồn điện tại khu vực miền Nam như: Long Phú I, Long Phú II, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Vĩnh Tân III… Việc phát triển nguồn nhiệt điện than thêm khó khăn do yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng như yêu cầu về hạ tầng nhập khẩu, cung cấp than cho các nhà máy...

Do đó, việc xem xét điều chỉnh bổ sung các dự án nhà máy điện mặt trời (là nguồn điện sạch có tiến độ đầu tư xây dựng nhanh) vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh như đề nghị của Bộ Công Thương là cần thiết. Việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo có tiềm năng ở nước ta, trong đó có điện mặt trời, là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài các dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, số lượng và tổng quy mô công suất các dự án điện mặt trời được các nhà đầu tư quan tâm đã trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt hiện nay là rất lớn. Do đó, việc xem xét bổ sung các dự án điện mặt trời cần được xem xét tổng thể để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quản lý quy hoạch, bảo đảm sự phù hợp về yêu cầu cung cấp điện, khả năng đấu nối và vấn đề sử dụng đất cho các dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo cụ thể danh mục các dự án nhà máy điện mặt trời đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường quản lý quy hoạch đối với các dự án đã được bổ sung quy hoạch, bảo đảm phát triển các dự án thực chất theo đúng tiến độ, không theo phong trào. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018.

Thông báo cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới khi chưa hoàn thành Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, chỉ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với các dự án nhà máy điện mặt trời Bộ Công Thương đã hoàn thành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó có dự án nhà máy điện mặt trời BIM2 (250MW) tỉnh Ninh Thuận và Phù Mỹ (330MW) tỉnh Bình Định và một số dự án điện mặt trời khác.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung thẩm định, nhất là nội dung tính toán xác định sự cần thiết bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy mô công suất các dự án, mức độ khả thi trong việc triển khai đầu tư xây dựng và sự phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật; Văn phòng Chính phủ thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là khá lớn. Trong đó, riêng Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung trên 70 dự án đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 với tổng quy mô công suất trên 3.000MW (các dự án có quy mô công suất đến 50MW). Quy mô công suất này đã vượt hơn nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Căn hộ mới xây phải lắp đặt điện mặt trời ở bang California

Vào lúc này, điện năng lượng mặt trời đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, bang California (Mỹ) sẽ nâng vai trò của nguồn năng lượng tái tạo này lên một tầm cao mới. 



Ủy ban Năng lượng của bang dự kiến sẽ thông qua khung quy định mới về năng lượng vào ngày 9-5 tới đây, buộc các căn hộ xây mới phải được trang bị hệ thống tấm thu năng lượng mặt trời kể từ năm 2020. Quy định mới sẽ chỉ được miễn trừ đối với một số căn hộ có kết cấu không phù hợp để lắp đặt, hoặc bị che khuất bởi cây cối và các tòa nhà cao tầng.

Tuy nhiên, giới chức bang cũng cho rằng việc xem xét tích hợp thiết bị năng lượng mặt trời khi xây mới căn hộ vào lúc này là lựa chọn hết sức hợp lý, chứ chưa cần tính tới sức ép từ quy định nào.

Dĩ nhiên, khung quy định mới không yêu cầu mỗi căn hộ phải sử dụng 100% nguồn điện từ năng lượng mặt trời, nhưng sẽ đề ra thang điểm đánh giá tín nhiệm nhằm khuyến khích việc tích hợp thêm cả hệ thống pin (ví dụ như Tesla Powerwall), nhằm lưu trữ năng lượng thu được trong ngày và sử dụng sau đó (như khi trời tối hoặc mùa ít nắng).

Theo phân tích của giới chuyên môn, quy định năng lượng mới sẽ khiến chi phí xây dựng trung bình đội lên khoảng 25.000-35.000 USD (tính tại California), với khoảng một nửa mức này là phục vụ mua sắm trang thiết bị năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, việc tự cung được điện sẽ giúp tiết kiệm khoảng 50.000 - 60.000 USD trong suốt thời gian sử dụng căn hộ, vào khoảng 25 năm (cũng tương đương tuổi thọ trung bình của thiết bị năng lượng mặt trời hiện nay).

Sau khi được thông qua, khung quy định mới sẽ đưa California trở thành khu vực đầu tiên tại Mỹ và trên thế giới yêu cầu các căn hộ phải có thiết bị năng lượng mặt trời. Thực tế, thời tiết tại California vốn ngập tràn ánh nắng, trong khi giá nhà đất lại đắt đỏ là những điều kiện thuận lợi cho việc triển khai khai thác năng lượng mặt trời trên diện rộng.

Trong khi đó, ở phía Tây khu vực trung tâm nước Mỹ (như các bang Illinois, Iowa, Kansas, Minnesota, Ohio...) với thời tiết lạnh giá và giá nhà đất rẻ, nỗ lực tương tự được cho là sẽ kém hiệu quả hơn.

Tuy một số ý kiến cũng cho rằng quy định mới có thể dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhà ở tại Califronia trở nên trầm trọng hơn, nhưng nhiều người tỏ ra ủng hộ quy định mới. Việc tăng tỉ lệ năng lượng mặt trời trong tiêu thụ điện của hộ gia đình đơn lẻ (vốn chưa tới 20% vào lúc này) được đánh giá là tiền đề quan trọng cho việc kích thích hoạt động sản xuất các tấm thu năng lượng mặt trời, cũng như dịch vụ lắp đặt liên quan.

Các nhà xây dựng chính sách cũng kì vọng rằng, khi số lượng các đơn vị tham gia lĩnh vực này tăng lên, chi phí đối với việc triển khai các giải pháp năng lượng mặt trời sẽ giảm mạnh không chỉ ở California hay trong lãnh thổ Mỹ.