Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Công ty thành viên PVN ứng dụng điện mặt trời

Mang theo bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời bình, cựu chiến binh (CCB) Trần Công Nghiệp, Phó xưởng Điện tự động, Phó chủ tịch Hội CCB Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) đã có nhiều ý tưởng ứng dụng hiệu quả trong hoạt động của công ty, tiết kiệm mỗi năm hàng chục tỉ đồng.




Thời gian qua, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã triển khai đồng bộ Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để đạt được mục tiêu của đề án, PTSC M&C đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất của công ty như: thương mại, thiết kế, hành chính tổng hợp, tổ chức nhân sự và kỹ thuật sản xuất. PTSC M&C đã xây dựng hệ thống kiểm soát sáng kiến cải tiến được ban hành thành quy trình kiểm soát tích hợp trong hệ thống ISO: Đăng ký sáng kiến, hội đồng đánh giá thẩm định, triển khai, khen thưởng và đăng ký bảo hộ quyền sáng kiến. Đồng thời luôn tạo điều kiện tốt nhất để CBCNV tăng cường sáng kiến sáng chế, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa nguyên vật liệu của công ty. Lực lượng CCB trong công ty đã cùng hòa chung phong trào, đóng góp không nhỏ trong sự thành công của PTSC M&C cho tới ngày nay.

Là Phó xưởng Điện tự động, CCB Trần Công Nghiệp luôn làm việc với khẩu hiệu: “Tiết kiệm hôm nay - Bền vững ngày mai”, là tấm gương sáng cho các thế hệ đàn em noi theo. Với phương châm, mỗi kW giờ điện được tiết kiệm là làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp, các CCB PTSC M&C nói chung và Trần Công Nghiệp nói riêng đã có nhiều ý tưởng ứng dụng thành công vào thực tế sản xuất, góp phần không nhỏ vào việc làm cho sản phẩm của mình làm ra có chất lượng hơn, giá thành sản phẩm rẻ hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Để triển khai các ý tưởng của mình, CCB Trần Công Nghiệp đã cùng Hội CCB phối hợp với Đoàn Thanh niên PTSC M&C tổ chức thiết kế thử nghiệm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đến nay đang triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà xưởng, hòa lưới điện trực tiếp dự kiến hàng nghìn kW, lấp đầy các mái nhà xưởng trên công trường thi công.

Theo CCB Trần Công Nghiệp: “Đặc thù PTSC M&C là đơn vị chế tạo cơ khí, nên tiêu thụ điện năng rất lớn. Do vậy việc đầu tư hệ thống năng lượng điện mặt trời sao cho có hiệu quả kinh tế cao, giảm thời gian hoàn vốn là bài toán luôn đặt lên hàng đầu. Với tư duy đó, công ty đã quyết định triển khai hệ thống năng lượng điện mặt trời hòa lưới trực tiếp không có hệ thống UPS (bộ lưu điện) để giảm giá thành đầu tư ban đầu do không phải đầu tư UPS. Bên cạnh đó, do nguyên lý hoạt động của hệ thống là luôn ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng mặt trời tạo ra đưa vào tải sử dụng trước nên hiệu suất sử dụng của hệ thống luôn đạt 100%. Đồng thời, triển khai lắp đặt theo từng modul, mỗi modul khoảng 20kW đã giúp giảm giá thành và tăng tính linh hoạt trong việc bảo trì hệ thống”.









guong sang tiet kiem
Pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà xưởng của PTSC M&C

Bên cạnh những đóng góp quan trọng vào việc phát triển đồng bộ hệ thống pin năng lượng mặt trời ở công ty, CCB Trần Công Nghiệp còn phối hợp cùng các phòng, ban chức năng và các Đoàn Thanh niên thuộc Xưởng Điện tự động, để thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong công ty bằng đèn led, giúp giảm lượng điện tiêu thụ, đảm bảo độ sáng và tăng tính an toàn cho hệ thống điện công ty, tiết kiệm chi phí lên đến gần 2 tỉ đồng tiền điện hằng năm. Tính đến nay, toàn bộ hệ thống chiến sáng của công ty đã thay thế bằng đèn led được 3 năm, hoạt động ổn định, chi phí bảo dưỡng, thay thế rất thấp và đã hoàn vốn đầu tư ban đầu.

CCB Trần Công Nghiệp đã nghĩ đến việc triển khai tòa nhà thông minh, thay thế đèn tự động bật - tắt vào các vị trí ít người sử dụng như hành lang, nhà vệ sinh hoặc đèn cảm biến theo độ sáng của phòng để tự điều chỉnh. Việc làm này sẽ hỗ trợ giảm bớt chi phí do tiêu thụ điện năng và tuổi thọ bóng đèn”.

Một điểm nhấn trong công tác sử dụng nguồn năng lượng xanh là PTSC M&C ưu tiên nội địa hóa sản phẩm, bằng việc sử dụng các thiết bị do các công ty trong nước sản xuất để giảm giá thành và có chọn lọc nhà sản xuất về chất lượng để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.

PTSC M&C được Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thành tích trong trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, khi kiểm toán năng lượng năm 2017 do Tổng Công ty Bảo dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí thực hiện.

Một ý tưởng khác của CCB Trần Công Nghiệp là cung cấp nguồn điện bờ cho tàu Amadeus bằng việc dùng nguồn điện trung thế 22kV-50Hz còn dư của hệ thống trung thế của công ty đưa qua bộ đổi tần số ra nguồn 690V-60Hz để dùng chung cho các dự án công trình biển mà PTSC M&C thực hiện. Nói về sáng kiến này, CCB Trần Công Nghiệp chia sẻ, do ảnh hưởng của giá dầu giảm, công việc của tàu giảm đi, thời gian tàu nằm bờ tăng lên. Đặc điểm con tàu này sử dụng điện 690V-60Hz, nguồn này đối với đơn vị sản xuất điện thì không phù hợp. Do đó, việc tàu nằm ở cầu cảng dùng điện lưới thông qua máy biến tần thì chi phí giảm đi nhiều so với việc phải thuê máy phát, chi phí rất lớn.

Theo CCB Trần Công Nghiệp để các sáng kiến, cải tiến của mình được triển khai trên thực tế thì trước hết phải thuyết phục được lãnh đạo đồng ý cho triển khai, bằng việc chuẩn bị đầy đủ thông tin về: kỹ thuật, vật liệu, mua sắm, các định hướng về năng lượng trong và ngoài nước, đến các chế độ chính sách để có cơ sở giải trình, thuyết phục lãnh đạo về các lợi ích trước mắt đạt được như tận dụng được nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên; tận dụng các chế độ ưu đãi của Nhà nước… Đồng thời, trong triển khai, rất cần sự phối hợp, phát huy tính năng động, nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên.


Theo Petrotimes.


Sinh lời từ điện mặt trời trên mái nhà

Chính phủ đã ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 11 về việc mua điện mặt trời đến tận hộ gia đình, kèm theo cơ chế giá. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên một thị trường năng lượng tái tạo đầy sôi động.

Cụ thể từ ngày 1.6.2017, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).


Lắp điện mặt trời trên mái nhà hộ gia đình



Hộ gia đình khỏi lo tiền điện


Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Các dự án điện trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện theo giá quy định.



Ông Trần Hữu Cường, ngụ Q.2 (TP.HCM), cũng phấn khởi: “Tôi đã tìm hiểu về lĩnh vực này rất nhiều và trước giờ cứ đắn đo giữa bộ ĐMT công suất 2 kW và 5 kW. Bộ nhỏ không đủ cho nhu cầu sử dụng còn bộ lớn xài không hết lại bỏ phí. Lấn cấn mãi về việc này nên chưa đầu tư. Nhưng với quyết định mới của Chính phủ, tôi sẽ lắp hẳn bộ công suất lớn vì dư cũng bán được, không phải bỏ phí. Từ nay về sau không phải hằng tháng lo tiền điện, giá điện tăng”.

Cuối năm ngoái, anh Nguyễn Văn Công (Q.10, TP.HCM) đầu tư bộ ĐMT công suất 5 kW với tổng chi phí lên đến 180 triệu đồng nên sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Quyết định của Chính phủ có thể giúp anh Công kiếm thêm thu nhập từ “nhà máy điện” trên nóc nhà của mình. “Việc thu lại được phần tiền đúng bằng với phần đã đóng góp cho lưới điện là hợp quy luật thị trường và khuyến khích cho ĐMT phát triển ngày càng mạnh,” anh Công nói.


Là người có kinh nghiệm sử dụng ĐMT, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), chia sẻ: “Tôi đầu tư hệ thống ĐTM cuối năm ngoái. Thời điểm đó vẫn chưa có quy định về mua bán điện giữa hộ gia đình và nhà cung cấp điện. Toàn bộ hệ thống 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2 và bộ tích điện tốn chi phí 130 triệu đồng. Khi có quy định về việc mua bán điện, người dân sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể khi không phải tốn thêm tiền đầu tư bộ tích điện. Điện xài không hết có thể coi như “gửi” lên lưới điện quốc gia, lúc cần đem xuống xài mà không cần tốn tiền mua. Nó sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là thừa phải cho không nhưng khi cần sử dụng lại phải mua. Trước đây, tôi tính chi phí đầu tư hệ thống ĐMT tương đương 10 năm tiền mua điện hằng tháng. Với quyết định mới này thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 5 - 7 năm”.


Doanh nghiệp đổ vốn vào điện mặt trời


Cũng theo Quyết định 11, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án ĐMT. Thời hạn hợp đồng mua bán điện với các dự án ĐMT là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT còn được ưu đãi về vốn, thuế, đất đai...


Khu vực nam Trung bộ có tiềm năng rất lớn về ĐMT. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, đến cuối năm 2015 mới có một dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc nhưng chỉ trong tháng 3.2017 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục chấp thuận 2 dự án đầu tư khác.


Hiện dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất tại Bình Thuận nằm ở xã Sông Bình (H.Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282 ha, do Tập đoàn điện lực VN (EVN) làm chủ đầu tư đã được lập quy hoạch bổ sung vào mạng lưới phát triển điện của tỉnh. Toàn bộ vùng tiềm năng ĐMT của Bình Thuận là trên 8.400 ha. Tổng công suất được quy hoạch 5.035 MW.


Trong đó, quy hoạch đến năm 2030 là 4.500 MW. Ngoài 37 nhà đầu tư đã được tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát và chấp thuận đầu tư, hiện vẫn có khá nhiều nhà đầu tư đang đề nghị được tỉnh cho nghiên cứu, đo nắng và lập dự án. Ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận), cho biết tỉnh đang rà soát lần cuối quy hoạch tổng thể về ĐMT tầm nhìn đến năm 2030. Ngay cả các mặt hồ thủy điện, hồ thủy lợi cũng được quy hoạch ĐMT vì các hồ nước này hoàn toàn có thể đặt phao nổi để lắp đặt các tấm pin mặt trời.



Cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng thu hút được nhiều dự án ĐMT. Theo Sở Công thương Ninh Thuận, toàn tỉnh có 8 dự án đã được chấp thuận đầu tư, trong đó có 2 dự án đã tiến hành xong nghiên cứu khảo sát và đã lập dự án đang trình UBND tỉnh xem xét trước khi trình Bộ Công thương phê duyệt; khoảng 40 nhà đầu tư khác đang nộp hồ sơ làm ĐMT tại tỉnh. Các chuyên gia lĩnh vực ĐMT cho biết có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực này như: Hàn Quốc, Thái Lan, Đức... với quy mô mỗi dự án 30 - 100 MW.


Báo Thanh Niên



Báo giá HT điện mặt trời nối lưới cho gia đình tham khảo

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 đạt 1.000MW điện mặt trời là khả thi

Với việc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: giá FiT (giá mua điện), cơ chế bù trừ điện năng, chứng chỉ xanh và cơ chế về thuế, đồng thời giá sản xuất thiết bị, chi phí lắp đặt các thiết bị ngày càng giảm đã tạo điều kiện cho điện mặt trời ở châu Âu nói chung và Đức nói riêng phát triển.

Chuyên gia năng lượng mặt trời của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) Gaetan Masson đã trao đổi với chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề lập quy hoạch, đánh giá tiềm năng, thuê đất, những cơ chế hỗ trợ của chính phủ, vai trò của địa phương… trong việc phát triển các dự án điện mặt trời. Đặc biệt, với Việt Nam, ông lưu ý, nên tập trung phát triển trước tiên các dự án điện mặt trời ở mặt đất. Sau khi đã có kinh nghiệm thì mới phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Đây là con đường mà Trung Quốc đang đi.









muc tieu cua viet nam den nam 2020 dat 1000mw dien mat troi la kha thi
Gaetan Masson - Chuyên gia năng lượng tái tạo. Là nhà sáng lập Công ty Becquerel Institute chuyên tư vấn phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Ông làm việc ở khắp nơi trên thế giới, như châu Âu, châu Á và Mỹ.

Ông có thể cho biết hiện nay tại Liên bang Đức, việc tổ chức đánh giá tiềm năng điện mặt trời do ai đảm nhận và nguồn kinh phí từ đâu? Việc xây dựng quy hoạch dài hạn, kế hoạch phát triển điện mặt trời được Đức thực hiện như thế nào và cơ quan nào thực hiện, phê duyệt?

Ông Masson: Phần lớn các quyết định đánh giá tiềm năng điện mặt trời tại Đức đều do cơ quan Chính phủ tiến hành, với sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu, đơn vị tư vấn độc lập. Nguồn kinh phí phần lớn đều là ngân sách nhà nước; quyết định cuối cùng là của các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách, bởi phần lớn những mục tiêu về phát triển điện mặt trời đều liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải khí CO2. Từ những mục tiêu này, chính phủ mới đưa ra mục tiêu quy hoạch năng lượng tái tạo và trong đó có mục tiêu phát triển điện mặt trời.

Vậy còn vấn đề xây dựng quy hoạch dài hạn, kế hoạch phát triển điện mặt trời ở Đức được tổ chức như thế nào và cơ quan nào làm, phê duyệt? Phạm vi đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo nói chung và đặc biệt là điện mặt trời nối lưới, không nối lưới tại Đức hiện nay thế nào, thưa ông?

Ông Masson: Trước hết là Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra một mục tiêu chung, sau đó các chính phủ thành viên mới triển khai thực hiện quy hoạch điện mặt trời của nước mình.

Hiện nay, phần lớn các dự án điện mặt trời ở châu Âu đều là điện mặt trời nối lưới, các dự án không nối lưới thường là các dự án nhỏ và tất cả các dự án này đều là tư nhân đầu tư.

Ở Đức, tất cả các tài trợ, đầu tư cho điện mặt trời là từ khu vực dân dụng (người tiêu dùng điện), hoặc là từ tư nhân chứ không có tiền của nhà nước.

Trên thế giới, trung bình khoảng 65% các dự án điện mặt trời trên mái nhà (công suất nhỏ) và 35% là điện mặt trời trên mặt đất. Nhưng ở châu Âu thì ngược lại, 65% điện mặt trời trên mặt đất và một lượng nhỏ điện mặt trời trên mái nhà.

Ông có thể cho biết, vai trò năng lượng tái tạo/ mặt trời trong tiêu thụ năng lượng chung ở Đức hiện nay thế nào? Tổng công suất, tỷ trọng? Định hướng phát triển?

Ông Masson: Hiện nay, ở Đức, tỷ lệ điện mặt trời chiếm 7%, năng lượng tái tạo chiếm hơn 20% tổng lượng điện quốc dân của Đức. Còn ở châu Âu nói chung thì điện mặt trời chiếm 4% tổng sản lượng điện và điện từ nguồn năng lượng tái tạo chiếm 25%.

Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời ở Đức hiện nay là 42GW, ở châu Âu 110GW. Cơ cấu năng lượng ở các nước châu Âu, trong các nguồn năng lượng tái tạo thì điện gió được lắp đặt nhiều nhất từ năm 2000 trở lại đây, công suất lắp đặt của điện gió là 150GW. Còn các nguồn năng lượng khác như: dầu khí, gas, điện than… tăng không đáng kể. Bởi nhu cầu điện ở các nước châu Âu gần đây gần như không tăng.

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của địa phương trong việc xây dựng các dự án điện mặt trời và xin ông chia sẻ về vấn đề đất cho các dự án điện tái tạo ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung?

Ông Masson: Chính quyền địa phương có vai trò khá hạn chế trong việc xây dựng các dự án điện mặt trời, họ đóng vai trò chủ yếu trong các dự án điện mặt trời trên mái nhà, ví dụ như đề ra các quy định về sử dụng đất, các quy định chung về lắp đặt điện mặt trời…



Điện mặt trời có hai thị phần lớn là điện mặt trời trên mặt đất và điện mặt trời trên mái nhà. Vai trò chủ yếu của Chính quyền địa phương là ở các hoạt động giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của điện mặt trời, vốn được thực hiện ở các tỉnh. Về vấn đề thuê đất cho việc phát triển các dự án điện mặt trời, ở châu Âu có quy định rất nghiêm ngặt về sử dụng đất. Họ quy định rất rõ ràng từ đất cho du lịch, đất cho nông nghiệp, đất cho năng lượng tái tạo… Vì vậy, tất cả các bên phải cạnh tranh với nhau và rất khó để có các dự án điện mặt trời lớn tầm 1GW.

Bên cạnh đó, ở châu Âu, họ áp dụng một mức giới hạn công suất cho các dự án điện mặt trời mặt đất. Ví dụ như các dự án phải dưới mức 12 MW.

Về thời gian thuê đất cho các dự án điện mặt trời, ở các nước châu Âu, xin thuê đất cho các dự án điện mặt trời thường trong khoảng 20-25 năm, vì sau thời gian này, thiết bị không còn tác dụng như trước, hiệu suất sử dụng sẽ giảm dần...

Các nước châu Âu cũng ưu đãi các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Các dự án này do chính quyền địa phương quản lý, vì đất đai ngày càng hạn hẹp, dân cư thì ngày càng đông, vì vậy họ không muốn dùng đất để cho các dự án điện mặt trời quy mô lớn khá tốn đất.

Ở châu Âu, bình quân 1 MW điện mặt trời sẽ sử dụng 1,25 - 1,3ha đất (nếu là đất bằng phẳng), còn là 1,4ha - 1,5ha (nếu là đất đồi núi).

Ngoài các dự án điện mặt trời trên mặt đất và mái nhà như ông vừa đề cập, ở châu Âu có chủ trương phát triển các dự án điện mặt trời trên hồ nước hay không?

Ông Masson: Việc phát triển điện mặt trời trên hồ nước tại các nước châu Âu mới đang ở mức thí điểm do một số thách thức về kỹ thuật, bảo trì…. Tuy nhiên, trên thế giới, đã có một số dự án tại châu Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản được triển khai thí điểm.

Ông đánh giá thế nào về hướng phát triển điện mặt trời hiện nay trên thế giới? Với châu Âu, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Một xu thế chủ đạo hiện này là chi phí sản xuất điện mặt trời có xu hướng giảm mạnh, một số nơi chỉ còn 3USDcents/1kWh. Xu thế này đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp điện mặt trời phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, mức giá nói trên là đối với vùng có bức xạ mặt trời cao. Tại nhiều nước, điện mặt trời hiện đã có thể cạnh tranh với điện gas, điện hạt nhân, hay điện sinh khối. Còn dạng năng lượng được coi là rẻ hơn điện mặt trời hiện nay là điện than, tuy nhiên không phải nước nào cũng có mức giá điện than thấp hơn điện mặt trời.

Có thể kể đến một số yếu tố góp phần vào việc giảm giá các dự án điện mặt trời như: chi phí thiết bị, cụ thể là sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời giảm, chi phí lắp đặt, chi phí tài chính đều giảm (lãi suất vay vốn giảm).

Bên cạnh đó, một xu thế nữa là các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận thức rõ ràng về tiềm năng điện mặt trời. Trước đây họ chỉ nghĩ điện mặt trời có tiềm năng phát triển, nhưng hiện nay nhận thức này thay đổi rất nhiều - họ nhận thức rằng, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên có thể phát triển được và tiềm năng phát triển rất lớn cho đến năm 2050.

Các chính sách hỗ trợ về phát triển điện mặt trời tại châu Âu bao gồm: giá FiT (giá mua điện), giá FIT premium (giá FIT cộng một khoản phụ thêm) thông qua đấu thầu, cơ chế bù trừ điện năng (công tơ hai chiều), khuyến khích tự tiêu thụ, chứng chỉ xanh thúc đẩy điện mặt trời phát triển và cơ chế về thuế và trợ giá.

Tùy các nước khác nhau, nhưng phần lớn các nước muốn phát triển điện mặt trời trên mặt đất thì họ áp dụng cơ chế đấu thầu, khi nhà đầu tư đưa ra giá thấp nhất thì sẽ thắng thầu và hưởng các cơ chế ưu đãi của chính phủ đã được ấn định. Phương pháp này được sử dụng rất phổ biến tại châu Âu. Ví dụ, giá điện mặt trời ở Đức hiện nay là khoảng 8 USDcents/1kWh.

Theo Quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh) của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 hệ thống điện Việt Nam cần gần 1.000 MW và 2030 khoảng 12.000 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bất kỳ dự án điện PV nối lưới nào được đưa vào vận hành. Với tư cách một chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch PV, ông có nhận xét, đánh giá gì về mục tiêu này?

Ông Masson: Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là có 1.000 MW điện mặt trời, theo tôi là khả thi. Còn mục tiêu đến năm 2030 là 12.000 MW, con số này hơi khiêm tốn, tôi cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu cao hơn nữa (20.000 MW), bởi nhu cầu điện của Việt Nam đang tăng cao.

Trong tương lai tới, để phát triển điện mặt trời thành công, theo kinh nghiệm của chúng tôi, Việt Nam nên trước tiên tập trung phát triển các dự án điện mặt trời ở mặt đất. Sau khi đã có kinh nghiệm thì mới phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Đây cùng là con đường mà Trung Quốc đang đi.

Cảm ơn ông!

Theo Năng lượng Việt Nam

Pin mặt trời thay đổi cuộc chơi trong ngành năng lượng

[Samtrix.vn] - Khi giá thành pin năng lượng mặt trời đang ngày một rẻ hơn thì lắp đặt pin năng lượng bền vững cho nhà ở cũng trở thành một giải pháp thực tiễn, mang đầy tính thương mại và cạnh tranh.

Hiện nay, khi giá thành của điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió tiếp tục giảm thì năng lượng bền vững cũng đã đi đến chặng giữa của quá trình phát triển tăng vọt. Và một trong những công nghệ có thể cung cấp dạng năng lượng bền vững mới cho những ngôi nhà, các công ty và thậm chí là cả một thành phố không còn cần đến các tua-bin quay hay các tấm lợp trên mái nữa. Thay vào đó là pin.

Mới đây, một dự án mới mang tên Peña Station Next đã được đặt ra tại Denver bởi khối liên doanh giữa chính quyền địa phương, Xcel Energy và Panasonic. Dự án này dự kiến sẽ hình thành nên một “thị trấn nhỏ bền vững" rộng 400 mẫu đất, nơi sẽ vận hành năng lượng đến từ các chuỗi tấm pin mặt trời, mỗi tấm kết nối theo hình ô bàn cờ với một viên pin 1MW. Với những viên pin này, các căn nhà sẽ được cung cấp điện ngay cả khi nắng đã tắt. Đây được coi như một phát kiến mới để tạo ra nguồn năng lượng hoàn toàn độc lập.


Pin cung cấp năng lượng cho ngôi nhà của Tesla




Peña Station Next có thể là ví dụ ban đầu của cách một thế hệ năng lượng mới được tạo ra và công nghệ lưu trữ nó để giúp cắt giảm chi phí năng lượng, thậm chí còn giúp một số ngôi nhà và công sở hoàn toàn không sinh ra khí nhà kính. Theo phân tích của McKinsey & Company đưa ra, năng lượng lưu trữ sẽ là cuộc cách mạng công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng và có thể là chìa khóa giúp các “tay chơi” cả tư nhân và nhà nước đều đạt được mục đích bền vững.

Kể từ khi tạo thành công pin dự trữ Tesla Power và ngói năng lượng mặt trời, Elon Musk (CEO của Tesla) đã tuyên bố hùng hồn về một tương lai người Mỹ nói riêng và loài người nói chung sẽ có thể tự tạo ra và lưu trữ năng lượng cho riêng mình. Và Tesla không phải là “tay chơi" duy nhất trong lĩnh vực này. Do đó, giá điện và các thiết bị tích trữ năng lượng đều giảm giá mạnh từ 1 nghìn USD/KWh năm 2010 xuống 230 USD/KWh vào năm 2016, điều này khiến cho tất cả mọi người đều có thể mua được giải pháp năng lượng tái tạo. Và sự cạnh tranh, giảm giá đó sẽ vẫn còn tiếp tục, đơn cử như nhà máy của Gigafactory tại Nevada sẽ sớm bị “vượt mặt” bởi một nhà máy pin còn khổng lồ hơn nữa ở Trung Quốc.


Trong tương lai, lĩnh vực lưu trữ năng lượng sẽ có sự tham gia của nhiều "tay chơi" có tiếng, không chỉ mình Tesla




Theo báo cáo của Liên hiệp Lưu trữ Năng lượng, quý đầu tiên của năm 2017 là quý phát triển mạnh nhất đối với thị trường lưu trữ năng lượng của Mỹ bởi vì sự mở rộng việc sản xuất ở California và lượng điện MWh lưu trữ được gấp đôi so với năm trước. Thậm chí, công ty mẹ của Google, Alphanet cũng đang chuẩn bị tham gia "cuộc chơi” trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng.

Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi rằng giá thành năng lượng và các thiết bị lưu trữ năng lượng sẽ ngày một rẻ hơn cho mọi người nhờ "cuộc chiến” của những “tay chơi” trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng.

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Thúc đẩy điện mặt trời bằng việc lắp đặt các trạm đo bức xạ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp lắp đặt năm trạm đo năng lượng mặt trời trên toàn quốc.



 


EVN và WB phối hợp lắp đặt các trạm đo năng lượng mặt trời. Ảnh: EVN

Ngày 20/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát động chiến dịch thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo với việc lắp đặt năm trạm đo năng lượng mặt trời trên toàn quốc.

Các trạm này sẽ thu thập dữ liệu chất lượng cao về bức xạ mặt trời và nâng cao tính chính xác của việc ước tính nguồn năng lượng mặt trời. Các dữ liệu sẽ được công bố và cung cấp trực tuyến miễn phí và dự kiến sẽ khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm đến việc xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Chiến dịch đo năng lượng mặt trời là bước tiếp nối sau khi Ngân hàng Thế giới công bố các bản đồ năng lượng mới cập nhật cho Việt Nam cho thấy tiềm năng trung bình của tài nguyên năng lượng mặt trời ở độ phân giải 1km. Dữ liệu và bản đồ có thể được truy cập thông qua trang bản đồ năng lượng mặt trời toàn cầu (Global Solar Atlas). Sau hai năm đo lường, bản đồ năng lượng mặt trời của Việt Nam sẽ được kiểm chứng đầy đủ với chất lượng tốt đủ đáp ứng cho việc lập kế hoạch và thăm dò.

"Chi phí sản xuất điện mặt trời đang giảm xuống trên khắp thế giới. Việt Nam đang có một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc xây dựng nhanh và sản xuất điện sạch", ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Cũng theo ông Ousmane Dione, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện năng của đất nước với các giải pháp tái tạo bền vững như: phát triển thủy điện, tiết kiệm năng lượng hơn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tăng tính hiệu quả của lưới điện trong truyền tải và phân phối.

Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về đo đạc và lập bản đồ năng lượng mặt trời là một phần trong dự án do Chương trình Hỗ trợ quản lý năng lượng ESMAP hỗ trợ. Dự án cũng đang tiến hành đánh giá và lập bản đồ tiềm năng sinh khối, thủy điện nhỏ và năng lượng gió.

Trạm đo được công bố tại Sông Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một phần trong gói hỗ trợ toàn diện năng lượng tái tạo của Ngân hàng Thế giới, bao gồm cả hỗ trợ tư vấn cho các dự án điện mặt trời lớn đang tìm kiếm nguồn tài trợ thương mại./.

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Quảng Bình: Dân được dùng điện mặt trời giá 2.500 đồng/kWh

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành giá bán điện từ hệ thống cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các khách hàng sử dụng điện, trong đó giá bán cho các hộ dân là 2.500 đồng/kWh.

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 3079/QÐ-UBND ban hành giá bán điện từ hệ thống cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các khách hàng sử dụng điện (đã bao gồm thuế VAT).

Trong đó chia làm 2 mức giá áp dụng cho các hộ dân: 2.500 đồng/kWh; đối với các đơn vị dịch vụ công có giá bán 3.500 đồng/kWh.
 

Theo quyết định 3079 của UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh,  phối hợp cùng các sở, ban ngành liên quan và các địa phương có dự án triển khai tổ chức thực hiện quyết định. Thời gian áp dụng giá bán điện tính từ 1/9/2017.

Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (QBSC) cho các bản của 10 xã điện lưới Quốc gia không đến được đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 26-11-2011, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 11/6/2013 và Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 7/4/2017.

Dự án có tổng mức đầu tư 13,783 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA Hàn Quốc 12 triệu USD, vốn đối ứng 1,783 triệu USD, nhằm cung cấp điện cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thuộc 4 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.

Thanh Hà - Infonet

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Sản xuất module năng lượng mặt trời : Lo công nghệ của Trung Quốc

Một tấm pin sản xuất tại Trung Quốc tạo ra lượng khí thải gần gấp đôi so với một tấm pin sản xuất tại châu Âu.


Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời được xem là thị trường tiềm năng tại Việt Nam. Cùng với sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang chiếm đa số.












San xuat pin nang luong mat troi: Lo cong nghe Trung Quoc
Tấm pin năng lượng mặt trời

Đơn cử như tập đoàn JA Solar (JA Solar Group) đang đầu tư dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, với vốn đầu tư dự kiến là hơn 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn đầu tư giai đoạn đầu khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Đa số sản phẩm của nhà máy sẽ xuất sang Mỹ.


Ngoài ra, với chi phí thấp, vị trí địa lý thuận lợi, JA Solar đánh giá nhà máy ở Việt Nam sẽ mở ra một thị trường kép, vừa để hoàn thiện chuỗi cung ứng vừa để mở rộng thị phần toàn cầu.


Cũng tại tỉnh Bắc Giang, hồi đầu năm nay, nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology, doanh nghiệp 100% vốn của tập đoàn Trinasolar (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên đã chính thức hoạt động.


Đây là nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng vốn đầu tư 100 triệu đô la Mỹ, sản lượng thiết kế là 1GW/năm, sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể để xuất khẩu.


Gần đây, Công ty Vina Solar cũng đã ký hợp đồng với công ty sản xuất tấm pin năng lượng hàng đầu của Trung Quốc là GCL-SI và Công ty Trina Solar để phát triển các dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam.


GCL-SI cho biết sẽ đầu tư 32 triệu đô la Mỹ vào dự án liên doanh này. Chủ tịch Công ty GCL-SI, ông Shu Hua, cho rằng việc đầu tư này không chỉ mang lại những lợi thế về chi phí cho công ty, mà còn giúp sắp xếp chuỗi cung ứng của GCL-SI.


Ông Chung-Han Wu, Giám đốc R&D của Công ty Năng lượng mặt trời BOVIET, một công ty chuyên sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời ở Bắc Giang, thuộc tập đoàn Boway (Trung Quốc), cho biết hiện có bảy công ty chuyên sản xuất pin và tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc và hai của Đài Loan đã có mặt ở Việt Nam. Các công ty này đều đặt nhà máy ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang.


Hiện Bắc Giang đang hình thành chuỗi sản xuất và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời với tám dự án đã được cấp phép, trở thành tỉnh có quy mô sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước với tổng công suất 5.200 MW/năm.


Họa hoằn trong số những doanh nghiệp Trung Quốc, tại Việt Nam cũng có sự góp mặt của First Solar - công ty sản xuất pin mặt trời lớn nhất nước Mỹ, có trụ sở tại khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TPHCM.


Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, với công suất sản phẩm tương đương 250 MW/năm.


Cũng giống như Mỹ, việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam của các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc là nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu.


Tuy nhiên, sự khác biệt rất lớn giữa các nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ chính là mối quan ngại về công nghệ và nguy cơ ô nhiễm môi trường.


Theo giới phân tích để làm ra một tấm pin, ngay từ đầu đã phải tiêu hao rất nhiều năng lượng. Cụ thể, để làm tan chảy và tinh chế silicon (các tấm pin cần silicon để hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời) phải cần nhiệt độ lên tới 1.414 độ C. Như vậy, để tạo một tấm pin mới buộc nó phải thải ra môi trường một khối lượng carbon rất lớn.


Theo nghiên cứu, một tấm pin sản xuất tại Trung Quốc tạo ra lượng khí thải gần gấp đôi so với một tấm pin sản xuất tại châu Âu. Nguyên nhân vì Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng cung ứng cho sản xuất.


Bên cạnh việc tiêu thụ nguồn năng lượng đáng kể, các chuyên gia cho rằng quá trình sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời còn xuất ra lượng nước thải và các chất phụ gia vào khí quyển.


Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành quyết định khuyến khích đầu tư phát triển dự án điện mặt trời, song các chuyên gia trong nước cảnh báo vấn đề ô nhiễm môi trường cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.


Nhất là các quy định ràng buộc về việc xử lý chất thải trước khi cấp phép, nhằm giảm và ngăn ngừa việc gây ô nhiễm môi trường.


Theo TBKTSG