Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Điện mặt trời về với miền biên giới An Giang

[Samtrix.vn] - Có lẽ nhiều người nghĩ rằng rằng điện mặt trời chỉ dành cho người có tiền. Không hẳn, tại huyện biên giới Tịnh Biên, An Giang, một số hộ nghèo đang sử dụng điện mặt trời giúp họ thoát nghèo.

Sáng 20.11 trong căn nhà lụp xụp khoảng 30m2 tại ấp An Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, anh Hận (thường gọi là Tèo), 38 tuổi, hào hứng bật chiếc tivi chạy bằng điện mặt trời. Cũng như 16 hộ nghèo và cận nghèo khác ở An Hảo, nhà Tèo được dự án Năng lượng xanh của trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) hỗ trợ 35% chi phí lắp đặt hệ thống pin gồm hai tấm công suất 100W/tấm, bình ắcquy và bộ dây nguồn. Mỗi tháng anh góp 156.000 đồng và trả trong mười tháng.


dien mat troi, nang luong ben vung o dbscl hinh anh 1


Từ ngày có điện mặt trời, cuộc sống gia đình anh Tèo phong phú hơn. Nhà đã có đèn chiếu sáng, chạy máy quạt và tivi để xem.

Nhà có ba con, đi làm mướn, mỗi ngày Tèo kiếm được 100.000 – 150.000 đồng. Anh nói: “Tui góp được sáu tháng rồi. Hồi trước nhà xài đèn dầu, từ khi có điện coi được tivi, xài quạt và đèn được luôn”.

Chị Hương, vợ anh Tèo, xen vào: “Từ ngày có điện, bọn nhỏ có đèn học bài và mọi người xem được tivi. Tui mê cải lương, sắp nhỏ khoái hoạt hình”.

An Đông có khoảng 300 hộ dân, “khúc đầu” và “khúc cuối” đã có điện quốc gia, nhưng “khúc giữa” hơn 100 hộ lại chưa có điện. “Dân ở đây ai cũng nghèo. Xa xa mới có một cái nhà, chi phí kéo điện mắc lắm nên không ai chịu kéo”, chị Rõ, phó trưởng ấpAn Đông, xã An Hảo, giải thích.

Tiếp cận văn minh

Đợt 1 dự án GreenID xét ưu tiên 16 hộ nghèo nhất, hiện chuẩn bị xét đợt 2. Vẫn còn khá sớm để đo lường hiệu quả của dự án, nhưng trước mắt, chị Rõ cho biết từ ngày có điện mặt trời dân ai cũng vui, bọn trẻ có đèn LED để học bài, quạt gió chạy phà phà trong những căn nhà lợp tôn. Thậm chí những hôm nắng nhiều người ta còn nấu cơm bằng điện.

Nhưng không chỉ người dân vùng không điện mới quan tâm đến điện mặt trời. PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đại học Cần Thơ, cũng tự lắp đặt ở nhà tại Cần Thơ một hệ thống như vậy.  Ông chia sẻ: “Nhà tôi lắp 12 tấm pin mặt trời, công suất 2,2kW/h với tổng chi phí 130 triệu đồng. Lúc trước nhà xài điện mỗi tháng tốn gần 3 triệu đồng, giờ còn 1 – 1,5 triệu đồng. Với thời gian dùng pin 25 năm, ắcquy 10 năm, tính ra mất 7 năm đã hoàn được vốn”.

Là nhà khoa học, TS Tuấn nhìn thấy viễn cảnh xán lạn của điện mặt trời. Ông phân tích, vào năm 1997 tấm pin mặt trời công suất 1W giá 76 USD, năm 2015 chỉ còn 0,3 USD (giảm hơn 253 lần). Giá bán điện ở các nước tăng 5 – 10%, khi bán tới Việt Nam tăng khoảng 25% và chi phí sản xuất nhiệt điện than ngày một tăng. Trước mắt giá điện tái tạo nhìn có vẻ cao, nhưng tương lai khoảng năm 2030 nó sẽ bằng giá điện than. Xài điện mặt trời lợi hơn.

Theo các nhà khoa học, nguồn bức xạ mặt trời ở Việt Nam rất dồi dào, đạt mức “rất tốt” ở Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, và mức “tốt”, “trung bình” ở những vùng còn lại. Không tận dụng là một lãng phí quá lớn.

Chết vì bụi than

Lauri Myllyvirta, chuyên gia về ô nhiễm không khí của Greenpeace, là một trong những tác giả của nghiên cứu về phát thải bụi than ở Đông Nam Á, nói với CNN: “Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia phát thải bụi than nhiều nhất, vì họ gia tăng xây dựng nhà máy nhiệt than”. Một nghiên cứu trước đó của Lauri và cộng sự cho thấy ở vùng Đông Nam Á vào năm 2010, Indonesia dẫn đầu số ca tử vong vì bụi siêu mịn PM 2.5 với 64.000 ca, Việt Nam 31.000 ca xếp thứ nhì. Con số này sẽ là bao nhiêu vào năm 2030, nếu người ta vẫn tiếp tục xây dựng những nhà máy nhiệt điện than và bỏ quên nguồn năng lượng tái tạo,trong đó có điện mặt trời?

May mắn là vẫn còn những tổ chức như GreenID kiên trì triển khai các dự án môi trường nhỏ hướng về người nghèo, vừa giúp họ tiếp cận nguồn năng lượng sạch, vừa giúp họ thoát nghèo bền vững. Sáng 11.11, tại văn phòng GreenID ở Tịnh Biên, anh Nguyễn Trung Tín, cán bộ dự án cho biết Năng lượng xanh sẽ cung cấp cho cộng đồng ít nhất năm giải pháp năng lượng bền vững là mô hình pin năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hệ thống điện mặt trời và năng lượng gió kết hợp, khí hoá sinh khối.

Ở văn phòng này tất cả bóng đèn LED chiếu sáng và bình nước nóng đều dùng điện mặt trời từ một hệ thống pin năng lượng mặt trời có tổng công suất 880Wp (watt peak: công suất đỉnh). Văn phòng dự định xây dựng một gian trưng bày rộng lớn gồm những mô hình năng lượng bền vững, để người dân đến tham quan và bắt chước.

Anh Tín nói: “Chúng tôi cũng hợp tác với đại học An Giang xây dựng chương trình giáo dục xanh cho trẻ em và thanh thiếu niên, bằng cách thiết kế các tài liệu và trò chơi, nâng cao nhận thức về sống xanh trong các trường trung học cơ sở… ”.

Theo báo Người Tiếp Thị

Tham khảo : http://samtrix.vn/chi-tiet-san-pham/173/546/he-thong-doc-lap.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét