Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Điện mặt trời : Vừa xài gia đình, vừa bán kiếm tiền

[Samtrix.vn] - Việc sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm tiền điện cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TP.HCM là nơi có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời do nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 kWh đến 6,6 kWh/m2/ngày; cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao (đạt 1.581 kWh/m2/năm), tương ứng 4,3 kWh/m2/ngày. Chính vì vậy, điện mặt trời hiện đang được TP.HCM khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn.



“Thấy người ta có mình cũng thèm”

Khi xây nhà mới, bà Nguyễn Thị Hoài, quận 9, TP.HCM đã chi thêm hơn trăm triệu đồng để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời 5KW phục vụ cho sinh hoạt của gia đình do Samtrix Solar lắp đặt. Sau vài tháng sử dụng, bà Hoài phấn khởi: “Toàn bộ thiết bị dùng trong gia đình tôi đều sử dụng điện năng lượng mặt trời cả. Những ngày nắng to thì hệ thống điện năng lượng mặt trời thu về 25 kWh, ngày không nắng lắm cũng thu được 20 kWh, đủ dùng cho gia đình. Phần dư ra có thể bán lại cho Nhà nước”.



Nói về lý do lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, bà Hoài cho hay: “Tôi đi du lịch nhiều nước và thấy người dân được sử dụng điện từ nguồn năng lượng tự nhiên này. TP.HCM có nhiều nắng, lượng nhiệt nhiều, vậy tại sao mình không áp dụng để tiết kiệm nguồn năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. Chính vì thế khi xây dựng căn nhà này, tôi đã yêu cầu bên xây dựng phải chú trọng thiết kế sân thượng để tôi có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời”. Từ ngày sử dụng điện mặt trời, mỗi tháng gia đình bà Hoài xài điện thoải mái mà vẫn tiết kiệm được hơn 80% tiền điện so với trước đây.

Tương tự, anh Trương Xuân Hiệp, quận 12, TP.HCM cũng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với 50 tấm pin loại 320 W/tấm phục vụ cho 50 phòng trọ của mình. Trước khi quyết định đầu tư, anh có nhiều đắn đo bởi số tiền phải bỏ ra là hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có Quyết định 11 của Thủ tướng về hỗ trợ điện mặt trời nối lưới với giá trên 2.000 đồng/kWh, anh quyết định đầu tư. Bởi theo quyết định này, người dùng điện khi có mức điện dư thừa sẽ được bán lại cho điện lực. Như vậy, thời gian để hoàn vốn các hệ thống điện mặt trời nối lưới nhanh hơn.

Giá như nhà nào cũng có

Theo bà Hoài, khi gia chủ sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, đơn vị lắp đặt sẽ xuống tận nơi để khảo sát và tư vấn lắp đặt. Tùy vào diện tích và vị trí nhà, đơn vị cung cấp Samtrix Solar sẽ đưa ra số lượng tấm pin và chi phí đầu tư sao cho phù hợp. Đồng thời ngành điện sẽ đến nhà để lắp đặt công tơ hai chiều giúp thực hiện việc mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời nối lưới.

“Bây giờ, mỗi tháng tôi đưa lên lưới điện nhà nước khoảng 200 kWh vì xài không hết. Nhờ có cơ chế mới, giờ đây người dân có thể kiếm thêm tiền từ điện mặt trời. Giá như nhà nào cũng có điện năng lượng mặt trời thì tốt quá” - bà Hoài bày tỏ.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết TP.HCM là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiện nay, EVNHCMC đã lắp đặt chín công trình điện mặt trời nối lưới tại các địa điểm gồm tòa nhà trụ sở của tổng công ty, tòa nhà Phòng Thông tin tuyên truyền an toàn - tiết kiệm năng lượng, nhà điều hành trạm 110 kV Bến Thành và tòa nhà trụ sở Công ty Điện lực Thủ Thiêm, An Phú Đông, Tân Thuận, Củ Chi, Gia Định, Tân Phú với tổng công suất lắp đặt 494 kWp.

“Trong năm nay, EVNHCMC sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của trụ sở các công ty điện lực còn lại và 47 trạm trung gian do Công ty Lưới điện cao thế quản lý với tổng công suất lắp đặt dự kiến là khoảng 2,36 MWp” - ông Bảo nói.

Theo EVNHCMC, từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM đã tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 mới chỉ có 200 kWp thì đến năm 2015 đã lên đến gần 1 MWp. Tính đến tháng 3-2018, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM ước tính đạt 3,62 MWp. Số lượng chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới ngày càng tăng sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017 khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.

Để nâng cao hơn nữa công suất lắp đặt điện mặt trời, EVNHCMC đã kiến nghị TP.HCM tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập trung hướng đến việc tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời nối lưới. Bên cạnh đó, kiến nghị TP.HCM chỉ đạo, vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các trường học, bệnh viện,… chủ động lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại các tòa nhà của đơn vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét