Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Vì sao nhà đầu tư Thái Lan thích M&A các dự án Điện mặt trời ở Việt Nam?


Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời sẽ là xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp Thái Lan trong năm 2019.





Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam




Ngài Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam.





Đó là nhận định của ông Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam khi trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan trong năm 2019 vào Việt Nam.





Cũng theo ngài Tham tán, với những thế mạnh và chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam về năng lượng tái tạo, cùng những kinh nghiệm đầu tư trong quá khứ, doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm tới thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.





Cụ thể, tại Việt Nam khí hậu ấm nóng, mặt trời hầu như chiếu quanh năm, đặc biệt là tại khu vực miền Trung và miền Nam. Năng lượng gió tại các vùng miền này cũng rất dồi dào.





Ngoài ra, với đặc điểm vị trí địa lý của các tính miền Trung gần với Thái Lan, ông cho biết, hiện nay đã có đoàn doanh nghiệp Thái Lan đi khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam tại khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.





Cùng với xu hướng an ninh năng lượng của thế giới, Chính phủ Việt Nam với nhiều chính sách mở cửa để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời – lĩnh vực đầu tư đang được doanh nghiệp Thái Lan đặc biệt quan tâm.





Theo đó, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu...





Với các chính sách và cơ chế hỗ trợ khá hấp dẫn này, đã và đang xuất hiện một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư đến từ Thái Lan.





Với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 tháng 2019. Để khuyến khich loại hình năng lượng này tiếp tục phát triển, Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo mới để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6 năm 2019.





Theo dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời được phân theo vùng địa lý và các mô hình phát điện khác nhau. Cụ thể có 4 vùng địa lý khác nhau và 4 loại hình sản xuất điện mặt trời là: Dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, dự án điện mặt trời trên mái nhà.





Theo đó, giá mua điện mặt trời cao nhất là 2.486 VNĐ/kWh (tương đương 10,87 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại vùng 1 là các tỉnh phía bắc và bắc miền Trung. Giá điện thấp nhất là 1.525 VNĐ/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời mặt đất tại khu vực vùng 4, là các tỉnh Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.





Với dự thảo sắp tới này, cơ hội cho các nhà đầu tư Thái Lan ra sao? Trả lời câu hỏi này của Diễn đàn Doanh nghiệp, Ngài tham tán cho biết: “Điều này phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp, nếu như với giá điện mà Bộ Công thương Việt Nam đề xuất, doanh nghiệp Thái Lan nào cảm thấy có thể cân đối giữa lợi nhuận và chi phí, thì họ sẵn sàng đầu tư".





"Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng doanh nghiệp Thái Lan với những thế mạnh nhỉnh hơn so với các nhà đầu tư khác về kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, cùng với niềm tin về môi trường đầu tư tôi tin rằng doanh nghiệp Thái rất cởi mở với các cơ hội đầu tư này”- ông khẳng định.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét