Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Nước Đức lập kỷ lục thế giới với 2GWh điện mặt trời

Hôm thứ Sáu (25.05.2012), Đức đã lập kỷ lục thế giới với 22.15GW công suất điện mặt trời, đáp ứng gần 30% nhu cầu điện năng của nước này. Mức công suất này tương đương với 20 nhà máy điện hạt nhân khổng lồ chạy hết công suất.

Chính phủ Đức đã quyết định từ bỏ điện hạt nhân sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm ngoái, đóng cửa 8 nhà máy ngay lập tức và đóng toàn bộ 9 nhà máy còn lại vào năm 2022.

Chính sách hỗ trợ bắt buộc do Chính phủ Đức quy định với năng lượng tái tạo đã giúp Đức trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này, cung cấp 20% lượng điện năng từ tất cả các nguồn năng lượng tái tạo mỗi năm.

Công suất điện mặt trời lắp đặt ở Đức đã gần bằng tổng công suất các nước còn lại trên thế giới, và đáp ứng 4% nhu cầu điện năng của cả nước hàng năm. Nước này đặt mục tiêu cắt giảm 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2020 so với mức phát thải năm 1990.

Một số nhà phê bình nói rằng năng lượng tái tạo không đủ tin cậy, cũng không đủ công suất để đáp ứng nhu cầu cho các quốc gia công nghiệp lớn. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức mong muốn chứng minh rằng điều đó thực sự có thể thực hiện được.


Công suất đỉnh từ điện mặt trời ở Đức ngày 25.05.2012. Ảnh: Cleantechnica



Con số công suất đỉnh 22,15GW, đồng nghĩa với chỉ riêng ngày thứ Sáu, tổng lượng điện từ 1 triệu hệ thống điện mặt trời ở Đức đã cung cấp 189,24GWh điện, bằng 14% tổng nhu cầu điện của quốc gia này trong ngày hôm đó. Trong 2 tuần cuối tháng 5, công suất điện mặt trời ở Đức khá ổn định. Công suất đỉnh thấp nhất là 8GW, trong khi công suất đỉnh trung bình đạt 16GW. Trong tuần đầu tiên của tháng 5, năng lượng mặt trời cung cấp lên lưới 780GWh, trong khi đó vào 1 tuần lễ cuối tháng 5, lượng điện năng đạt mức kỷ lục 1,1TWh. (Lưu ý rằng sản lượng điện của Việt Nam cả năm 2011 mới chỉ ở mức 106TWh).


Các ưu đãi thông qua chính sách giá được nhà nước uỷ quyền là biểu giá “Feed-in-tariff” (FIT) không phải không có tranh cãi, tuy nhiên. FIT là huyết mạch cho ngành công nghiệp cho đến khi giá quang điện giảm tới mức ngang bằng với các loại điện truyền thống.

Các công ty cung cấp điện và các nhóm khách hàng đã kêu ca rằng biểu giá FIT cho điện mặt trời làm tăng 2cent EUR/kWh trong biểu giá điện thông thường ở Đức, một mức giá vốn đã thuộc hàng cao nhất trên thế giới (khách hàng trả 23 cent EUR/kWh).

Theo một báo cáo năm 2012 của Bộ Môi trường Đức, người tiêu dùng Đức trả thêm khoảng 4 tỷ EUR (5 tỷ USD) mỗi năm trong các hóa đơn tiền điện, để trợ giá cho điện mặt trời.

Các nhà phê bình cũng phàn nàn mức độ ngày càng tăng của năng lượng mặt trời làm cho lưới điện quốc gia kém ổn định hơn do những biến động về sản lượng.

Chính phủ trung hữu của Thủ tướng Merkel đã cố gắng để cải thiện tốc độ cắt giảm biểu giá FIT, mức giá này giảm từ 15% đến 30% mỗi năm, và giảm tới gần 40% trong năm nay xuống dưới mức 20 cent cho mỗi kWh. Nhưng cơ quan cấp cao của quốc hội Đức, Thượng nghị viên, đã quyết định giữ nguyên ở mức này, không giảm nữa.


Chính sách hỗ trợ NLTT qua biểu giá FIT là huyết mạch cho sự phát triển các hệ thống Điện mặt trời nối lưới ở Đức. Ảnh: Shutterstock


Hai dấu hiệu của sự phát triển năng lượng tái tạo


 Sự kiện này là minh chứng cho sự phát triển của năng lượng tái tạo, thể hiện ở 2 góc độ:


Thứ nhất, sự thật là hệ thống năng lượng tái tạo đã đánh bại hệ thống năng lượng truyền thống (hóa thạch, hạt nhân) về mặt giá cả. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều này, bởi lẽ những “benchmark” mà người ta đưa ra trên các phương tiện truyền thông đều chưa khách quan, và có dụng ý chống lại năng lượng tái tạo. Cách mà những “chuyên gia” này làm là đem một công nghệ năng lượng tái tạo nào đó, đặt vào vị trí các nhà máy điện truyền thống (than, dầu, khí, hạt nhân), và đưa ra kết luận rằng năng lượng tái tạo là không kinh tế (với đơn vị vận hành nhà máy điện). Có 2 kiểu “chuyên gia” này. Một là những chuyên gia đáng kính, nhưng nhìn sự việc dưới lăng kính “lạc hậu”. Hai là những chuyên gia có mối quan hệ mật thiết với ngành năng lượng truyền thống (hóa thạch, hạt nhân), vốn dĩ đã không ưa gì năng lượng tái tạo, vì họ coi đó như những đối thủ cạnh tranh.

Những người có con mắt khách quan hơn, không có ràng buộc gì tới những ngành năng lượng truyền thống, đều dễ dàng nhận ra rằng, “benchmark” của năng lượng tái tạo hoàn toàn khác. Nó dựa trên sự phân tán các nguồn phát, dựa trên sự kết hợp của nhiều nguồn năng lượng khác nhau, để đáp ứng 100% nhu cầu năng lượng của quốc gia.

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, cũng chính là những gì đang diễn ra với lĩnh vực dự trữ năng lượng. Trên thế giới, các công ty và các tập đoàn hàng đầu đang đầu tư hàng tỷ đô la vào nghiên cứu và xây dựng nhà máy. Một cuộc đua thực sự đang diễn ra giữa các tập đoàn điện tử và hóa chất, hay các hãng xe hơi, nhằm giành lấy thị trường nhiều tỷ đô la trong tương lai gần. Hiện tại, dự trữ năng lượng tập trung nhiều vào xe ô-tô điện, nhằm cách mạng hóa ngành giao thông trong vài thập kỷ tới. Không có gì phải nghi ngờ, sự phát triển của ngành này sẽ cung cấp cho các hộ gia đình, các công ty điện lực địa phương những giải pháp dự trữ năng lượng với giá thành ngày càng hạ. Như ở Nhật Bản, mô hình “nhà thông minh” đã bắt đầu được đưa ra thị trường và đang được phổ biến trên tivi hàng ngày.

Thời kỳ của mô hình điện độc lập, phân tán


Khi xem xét sự phát triển của 2 công nghệ: điện mặt trời và hệ thống dự trữ năng lượng, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian để sự kết hợp 2 công nghệ này (dưới mô hình điện độc lập) trở nên khả thi và kinh tế.

Ngày nay, ở Đức, có tới 6,4 triệu thùng dầu được dự trữ ở các gia đình và tòa nhà, nhằm mục đích cung cấp nhiệt. Lắp đặt hệ thống đó cũng tốn vài ngàn Euros. Những nhà sản xuất điện độc lập hoàn toàn có thể làm tương tự với các hệ thống dự trữ điện, một khi chúng trở nên kinh tế hơn.


Xu thế phát triển các hệ thống điện mặt trời độc lập, đi kèm với ắc quy dự trữ năng lượng. Ảnh: Shutterstock



6 triệu hệ thống dự trữ năng lượng tại gia sẽ làm thay đổi hệ thống năng lượng như thế nào? Với 6 triệu hệ thống, mỗi hệ thống phân tán có công suất điện 10kW và 25kWh dự trữ, có nghĩa là tổng công suất phát của cả nước sẽ lên tới 60GW, và 150GWh dự trữ. Lượng điện năng này đã đủ đáp ứng 10% nhu cầu điện hàng ngày của cả nước Đức, và thừa khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng vào ban đêm của tất cả các hộ gia đình ở nước này.


Một hệ thống điện 10kW, với 25kWh ắc quy dự trữ không phải điều gì xa xôi. Nó chỉ tương tự như một hệ thống cung cấp năng lượng cho chiếc xe điện Nissan Leaf mà thôi. Một khi các nhà máy ở Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đi vào sản xuất đại trà năm 2013, thì số lượng sản xuất các ắc quy này sẽ lên tới hàng trăm ngàn chiếc.

Tuy giá có 1 hệ thống ắc quy như vậy còn cao ở thời điểm này, nhưng nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô, sự sáng tạo, và tối ưu hóa, chi phí sản xuất sẽ giảm xuống trong vài năm tới. Hoàn toàn giống như sự giảm giá tế bào quang điện trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá pin quang điện ngày nay đã giảm 70-80% so với năm 2007, xuống mức dưới 2EUR/Wp ở Đức.

Tổng hợp từ: Reuters /Cleantechnica /Inhabitat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét