Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Thực trạng năng lượng tái tạo ở VN và kiến nghị giải pháp phát triển bền vững

Thực trạng sản xuất điện từ NLTT của Việt Nam

Điện gió: Các dự án điện gió không nối lưới đã xây dựng ở Việt Nam gồm các tuabin gió quy mô gia đình (150-200kW), chủ yếu lắp đặt ở các khu vực ngoài lưới (các đảo).


Hệ lai ghép tuabin gió - máy phát điện điêzen (30kW) đặt tại huyện Hải Hậu, Nam Định hiện không hoạt động được do độ cao lắp đặt thấp.

Hệ lai ghép tuabin gió - pin mặt trời (2kW) đặt tại huyện Đắc Hà, Kon Tum và Trạm điện gió đảo Bạch Long Vỹ (800kW), hoạt động từ năm 2004. Đây là tuabin gió lớn nhất ở thời điểm này, nhưng phải ngừng hoạt động sau 1 năm vận hành vì sự cố.

Dự án điện gió tại Đảo Phú Quý 3x2MW đã lập xong dự án đầu tư xây dựng công trình, dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2012.

Hiện Việt Nam có 14 dự án điện gió nối lưới đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư (892,5MW) và 7 dự án đang lập Dự án đầu tư xây dựng công trình (205MW).

Ngoài ra, còn có dự án điện gió tại Bạc Liêu đã khởi công (99MW) và dự án điện gió tại Gia Lai đã lập báo cáo đầu tư (40,5MW).

Như vậy, tổng công suất của 23 dự án điện gió này là 1.237MW. Việc triển khai dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư của 23 dự án này đều gặp khó khăn do chưa thoả thuận được giá bán điện.

Duy nhất Dự án Nhà máy phong điện 1 - Bình Thuận 20x1,5MW, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) bỏ qua rào cản về thoả thuận giá mua bán điện, trong phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đã hoàn thành xây lắp và đưa 5 tuabin gió (5x1,5=7,5MW) vào vận hành hoà điện, đấu nối, cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia từ 22/8/2009.

Đến nay đã xây dựng xong 15 tổ máy, tổ máy còn lại thuộc giai đoạn 2 đưa tổng công suất của nhà máy lên 30MW. Các tổ máy này đã vận hành an toàn vượt qua được thử thách của các mùa mưa bão đã qua.

Đây có thể coi là sự kiện thành công nhất trong lịch sử phát triển điện gió của Việt Nam.

Điện mặt trời: Năng lượng mặt trời dùng để sản xuất điện ở Việt Nam chủ yếu là nguồn điện pin mặt trời được áp dụng ở khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Hiện các hệ thống pin mặt trời đã có mặt ở 38 tỉnh thành và một số bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Các nguồn điện pin mặt trời này đều không nối lưới, trừ hệ thống pin mặt trời 150kW tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia là có nối lưới.

Tổng công suất đặt pin mặt trời của Việt Nam đến nay khoảng 1,4MW.

Năng lượng khí sinh học và sinh khối: Dạng năng lượng này tính đến thời điểm hiện nay chủ yếu là phát triển nhiên liệu sinh học từ mía, sắn, ngô, dầu cọ, cao lương, tảo, cây jatropha, thầu dầu, biomas, biodiesel.

Năm 2009 được coi là năm ra đời ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất ethanol tại Quảng Nam, Phú Thọ, Quảng Ngãi (Dung Quất), Bình Phước, Đồng Nai đã và sẽ lần lượt đưa vào vận hành.

Nhà máy đường Tây Ninh đã dùng bã mía làm nhiên liệu đốt lò nhà máy điện theo công nghệ đồng phát, nhiều dự án tương tự đang được triển khai ở miền Nam với nhiên liệu là trấu.

Địa nhiệt: Cách đây 16 năm, Công ty Ormat (Hoa Kỳ) đã đến Việt Nam nghiên cứu phát triển nhà máy điện địa nhiệt, nhưng không triển khai được, mà lý do chính là không thoả thuận được về giá bán điện.

Gần đây Công ty Xây lắp điện Khánh Hoà và Công ty LIOA có dự kiến đầu tư dự án điện địa nhiệt tại Tu Bông (Khánh Hoà), đã tổ chức đoàn đi khảo sát các nhà máy điện địa nhiệt tại Philippin. Cho đến nay chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về tiến độ thực thi các dự án địa nhiệt tại Việt Nam.

Kiến nghị các giải pháp để phát triển NLTT bền vững

Một là, gấp rút xác định chính xác tiềm năng NLTT ở Việt Nam, trước mắt là năng lượng gió, mặt trời, từ đó vạch ra chiến lược và sách lược khai thác có hiệu quả hai dạng năng lượng này, kể cả nối lưới và không nối lưới, kịp thời tạo nguồn bổ sung điện năng cho giai đoạn đến 2020.

Về tiềm năng năng lượng gió: Cần triển khai công tác đo gió ở những vùng tiềm năng cao (tham khảo bản đồ NEDO). Công tác đo gió phải thực hiện ở độ cao 40m trở lên trên phạm vi rộng, có quan trắc một cách khoa học và đủ chu kỳ.

Để giảm thiểu chi phí đo gió mà vẫn đạt được độ chính xác cao, cần tổ chức tốt việc hợp tác quốc tế và hợp tác các chủ đầu tư dự án điện gió trong nước.

Chú ý là Truewind Solutions đã tiến hành lập Bản đồ gió Mesomap cho khu vực Đông Nam Á để WB sử dụng Hệ thống mô phỏng thí nghiệm Mesocale nhằm phác thảo toàn cảnh về năng lượng gió trên toàn lãnh thổ Việt Nam ở các độ cao 30m, 50m theo tốc độ gió trung bình hàng năm.

Tuy nhiên, đây chỉ là tài liệu nghiên cứu ở cấp vĩ mô và cho kết quả về khả năng khai thác gió ở những độ cao này tại một số địa phương của Việt Nam mà thôi. Cần tham khảo và tổng kết kết quả đo gió của Công ty Cổ phần NLTT Việt Nam (REVN) tại Bình Thuận và của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) tại Đảo Phú Quý (Bình Thuận), các nhà đầu tư này đặt các tuabin gió ở độ cao 85m.

Về tiềm năng năng lượng mặt trời: Với kết quả quan trắc của hơn 100 trạm, bố trí ở các tỉnh, thành trên toàn quốc theo dõi thu thập dự liệu về bức xạ mặt trời. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng mặt trời phong phú, đặc biệt là ở miền Trung và miền Nam hầu như quanh năm có nắng. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm ở miền Trung và miền Nam đạt 5kWh/m2, dao động từ 4,0~5,9 kWh/m2. Ở Miền Bắc do hàng năm vào mùa đông xuân trời có nhiều mây, mưa phùn nên độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm là 4kWh/m2, khoảng dao động lớn hơn từ 2,4 ~ 5,5kWh/m2. Số giờ nắng trung bình năm tại Việt Nam khoảng 2000-5000h với tổng năng lượng bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/cm2 , tiềm năng lý thuyết đánh giá đạt 43,9 tỷ TOE.

Từ các dữ liệu trên cho thấy, nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam có độ ổn định tương đối cao, phân bổ trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, có thể khai thác đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng điện tại chỗ cho miền núi, hải đảo, nông thôn, thành thị, cho hộ gia đình, sản xuất kể cả nối lưới điện quốc gia.

Hiện nay việc ứng dụng năng lượng mặt trời trên thế giới và Việt Nam còn khó khăn do giá thành thiết bị công nghệ điện mặt trời cao, song đây chính là nguồn năng lượng chiến lược, mang tính khả thi cao và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, hiện nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ về sử dụng dạng năng lượng này nên trong 10-20 năm tới sẽ là một trong những giải pháp nguồn cơ bản trong hệ thống năng lượng, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hai là: Rà soát lại, phổ biến rộng rãi, triển khai thực hiện tích cực và có hiệu quả “Chiến lược quy hoạch tổng thể các nguồn NLTT Việt Nam giai đoạn đến 2015 có xét triển vọng đến năm 2025” đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ra Quyết định phê duyệt.

Ba là: Xây dựng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt ưu tiên đầu tư tài chính, công nghệ thiết bị, nội địa hóa, hợp tác quốc tế.

Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển NLTT với lộ trình thực hiện những nội dung của Nghị định, khẩn trương nhưng chắc chắn, xây dựng giá NLTT hợp lý tạo điều kiện thu hút đầu tư, tích cực chuẩn bị mọi công việc có liên quan để xây dựng Luật Năng lượng tái tạo trình Quốc hội thông qua.

Bốn là: Lập một tổ chức tập hợp mọi nguồn năng lực xã hội chuyên lo phát triển công nghệ NLTT để cung ứng cho mọi nhu cầu tăng trưởng năng lượng tại mọi địa điểm có suất năng lượng khá trong phạm vi toàn quốc.

Tổ chức ngay việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị sử dụng NLTT đặc biệt là Năng lượng gió và năng lượng mặt trời với mức nội địa hóa cao phù hợp với điều kiện cụ thể về chế độ gió, chế độ nắng của Việt Nam.

Năm là: Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các chuyên ngành NLTT là vấn đề phải được quan tâm ngay từ bây giờ vì đã muộn.

Các bộ, ngành, tập đoàn, công ty đã có các dự án NLTT, đang triển khai cần đưa ra các kế hoạch và mục tiêu đào tạo cụ thể.

Cần tổ chức các đoàn đi tham quan học tập và khảo sát thực tế tại các cơ sở, công trường, cơ quan quản lý vận hành các dự án NLTT của các nước đã có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp có Chương trình đào tạo về ngành NLTT; muốn vậy, trước mắt cần mời những giảng viên có kinh nghiệm soạn thảo ra Bộ giáo trình có tiếp thu các thành tựu khoa học đã đạt được của quốc tế và hiểu hết được tình hình cụ thể của Việt Nam về NLTT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét