Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Tính hiệu quả của dự án nhà máy sản xuất panel năng lượng mặt trời

Tháng 4-2011, tám tháng sau khi khởi công, tập đoàn Mỹ First Solar công bố dừng triển khai dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ xây nhà máy tấm pin năng lượng mặt trời tại TPHCM. First Solar đã chọn một công ty tư vấn bất động sản nhờ bán lại hơn 100.000 mét vuông nhà xưởng với tiêu chuẩn quốc tế đã xây xong. Cho đến nay, chưa thấy báo chí loan tin về số phận của khối tài sản này ra sao, nhưng số phận của dự án pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam thì đã rõ: First Solar quyết định từ bỏ dự án này sau mấy năm thai nghén và triển khai khẩn trương.


Hẳn nhiều người cho rằng rất khập khiễng nếu so sánh quyết định trên của First Solar với sự dùng dằng hiện nay với hai dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai. Tuy nhiên, phân tích vấn đề dưới góc cạnh này sẽ cung cấp thêm căn cứ nhằm đưa đến một quyết định cuối cùng chính xác hơn.

Như TBKTSG đã đưa tin trước đây, First Solar cho biết họ ngưng triển khai dự án lớn thứ hai của họ trên thế giới tại Việt Nam vì nguồn cung cầu thế giới mất cân bằng và sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm Trung Quốc. Tuy không có thông tin First Solar đã chi hết bao nhiêu cho dự án tại Việt Nam, số tiền họ đã đầu tư chắc chắn không hề nhỏ. Nhưng con số này cũng không bằng khoản thua lỗ khổng lồ First Solar sẽ phải hứng chịu nếu họ tiếp tục đổ tiền vào dự án này. Như vậy, logic của vấn đề rất rõ ràng: một dự án đã triển khai với số vốn đã đổ vào không nhỏ vẫn phải ngừng một khi khả năng sinh lợi không còn.

 

http://petrotimes.vn/stores/news_dataimages/duyhung/122012/18/00/Solar_Panel_Installation.jpg


 

Trở lại với hai dự án bauxite của chúng ta. Tranh cãi gay gắt đang xảy ra về hiệu quả của hai dự án này có thể sẽ chưa ngã ngũ ít nhất... 10 năm nữa nếu dự án được tiếp tục, vì theo tính toán của chủ đầu tư, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), phải mất hơn 10 năm, các dự án mới phát huy tác dụng hoàn toàn (thời gian thu hồi vốn của Tân Rai là 12 năm, còn Nhân Cơ là 13 năm).

Cho đến tuần rồi, lãnh đạo TKV vẫn khẳng định hiệu quả của hai dự án. Có điều, lời khẳng định này không mới vì đó chỉ là sự lặp lại những gì đã có cách đây ba năm lúc Nhân Cơ được khởi công. Nhưng tình hình hiện nay đã khác trước khi những con số thực về hai dự án này đang rõ dần lên. Phần lớn số liệu lại không đứng về TKV mà ở chiều ngược lại. Nói cách khác, càng triển khai, tính hiệu quả các dự án càng xa rời những gì TKV đề ra ban đầu.

Xét tình hình hiện nay, hầu hết các yếu tố đều bất lợi cho hai dự án bauxite: giá nhôm lao dốc, nhu cầu tiêu thụ nhôm nguyên liệu giảm vì kinh tế thế giới suy thoái, tự thân các dự án triển khai chậm tiến độ, vốn đầu tư tăng vọt so với dự toán, công tác đền bù giải tỏa bất cập...

Lãnh đạo TKV vẫn lên tiếng sẽ chịu trách nhiệm về các dự án. Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ dẫn lời GS. Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng “lãnh đạo TKV không thể nói tự mình chịu trách nhiệm vì đây là tài sản nhà nước [suy cho cùng là tài sản của toàn dân]”. Theo GS. Thái, “chi phí đã rất lớn với hai dự án như TKV công bố, nên cân nhắc lúc này là cần thiết... Không nên cố gắng triển khai thêm nhiều hạng mục khi hiệu quả chưa chắc...”.

Bảy tháng sau khi First Solar ngừng dự án tại Việt Nam, Rob Gillette - Tổng giám đốc điều hành tập đoàn pin năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ - phải ra đi do tính toán sai lầm về nhu cầu thế giới dẫn đến những quyết định đầu tư tai hại. Nhưng không lẽ chỉ có các tập đoàn tư bản mới biết xót tiền của mình?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét