Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Điện năng lượng mặt trời : lời giải cho bài toán khát điện ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Pin năng lượng mặt trời - Giải pháp cho bài toán “khát điện” ở huyện đảo Lý Sơn




Pin năng lượng mặt trời




Do không có điện lưới Quốc gia nên lâu nay người dân huyện đảo Lý Sơn dùng điện từ nhà máy nhiệt điện, nhưng hàng đêm điện chỉ có vài ba tiếng đồng hồ. Riêng 100 hộ dân ở xã An Bình hay còn gọi là đảo Bé sống âm thầm với đèn dầu tù mù. Năm 2005, Viện năng lượng đã hỗ trợ hơn 30 hộ dân ở đây pin năng lượng mặt trời. Sau thời gian sử dụng đã giải quyết phần nào “cơn khát” điện ở đảo tiền tiêu này.



Gia đình bà Lê Thị Thắm ở xã An Bình hay còn gọi là đảo Bé, huyện Lý Sơn là một trong 30 hộ dân được Viện Năng lượng Việt Nam lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Kể từ khi được lắp đặt, thiết bị này đã giải quyết phần nào tình trạng thiếu điện sau nhiều năm ròng rã. Có điện nên gia đình bà mua thêm một số thiết bị điện trong nhà. Bà Lê Thị Thắm cho hay: “Bây giờ mình thắp nó không sáng như mấy cái bóng đèn cao thế, nhưng bóng đèn trong gia đình cũng được, cũng đủ thắp”.

Hiện nay một số hộ dân ở đảo Lớn (xã An Vĩnh và An Hải), huyện đảo Lý Sơn tự đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời. Ông Trần Duy Tấn ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn là hộ đầu tiên ở huyện đảo Lý Sơn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Ông Tấn cho biết, gia đình ông đầu tư gần 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Hệ thống điện năng lượng mặt trời này gồm có 12 tấm pin. Các tấm pin này mỗi ngày sẽ tiếp nhận năng lượng mặt trời và chuyển hóa thành điện năng với điện thế 220 V, bình quân mỗi ngày hệ thống này cho ra 6-8 kWh điện. Trong trường hợp không sử dụng hết, nguồn điện này sẽ được nạp vào bình ac-quy. Ông Trần Duy Tấn cho biết thêm, trước đây vào ban ngày để có điện phục vụ sinh họat gia đình ông phải sử dụng máy nổ vừa tốn kém vừa gây tiếng ồn. Còn bây giờ có hệ thống năng lượng mặt trời này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là khi có bão.

Có thể nói, việc lắp đặt pin mặt trời là giải pháp hiệu quả để cung cấp điện sử dụng cho các hộ gia đình ở nơi chưa có điện lưới quốc gia như đảo Lý Sơn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư ban đầu khá cao so với mức thu nhập của các hộ dân ở đây. Do đó cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Lý Sơn kiến nghị: “Trong những năm qua việc hỗ trợ thắp sáng của Viện năng lượng Việt Nam rất có hiệu quả. Đến giờ này bà con sử dụng vẫn là tốt. Với yêu cầu nhân dân xã nhà đầu tư thêm cho bà con trên đảo”

Từ hiệu quả của hệ thống phin năng lượng mặt trời, năm 2011, huyện Lý Sơn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt thêm hơn 10 bộ pin năng lượng mặt trời cho 10 hộ dân ở xã An Bình. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói: “Đối với huyện đã có nhiều lần kiến nghị Tỉnh, Trung ương đầu tư cho xã An Bình, sau xã An Bình thì đầu tư cho xã An Vĩnh và An Hải điện năng lượng mặt trời để nhân dân Lý Sơn hưởng được quyền lợi, giữ vững được nền kinh tế”.

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch và được xem là giải pháp tốt nhất để bảo vệ môi trường trái đất. Chính vì vậy, việc khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là hành động để bảo vệ môi trường và là biện pháp tiết kiệm điện. Đặc biệt là đối với huyện đảo Lý Sơn khi chưa có điện lưới Quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét