Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Dự án cấp điện bằng năng lượng tái tạo cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Theo thông tin từ trang web của Tỉnh Quảng Ngãi và Điện lực Quảng Ngãi, lại có thêm 1 dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn ra đời. Tuy nhiên, đây chỉ là một dự án quy mô nhỏ, cấp điện cho đảo Bé (An Bình), là xã đảo nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Quảng Ngãi, chiều ngày 08/5/2012, đồng chí Cao Khoa – Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp để nghe Viện Năng lượng – Bộ Công Thương báo cáo về Dự án đầu tư Hệ thống cấp điện bằng năng lượng tái tạo tại xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn. Tham gia cuộc họp còn có các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh, các Sở ngành liên quan trong tỉnh, UBND xã An Bình, Công ty TNHH Cây Cầu Vàng và lãnh đạo PC Quảng Ngãi.

An Bình (đảo Bé) là một trong ba xã thuộc huyện đảo Lý Sơn, nằm cách đảo Lớn 3,5 hải lý; có diện tích khoảng 69 ha, có 112 hộ với 502 người hiện đang sinh sống. Hiện tại, một phần xã An Bình đang được cung cấp điện bằng hệ thống điện mặt trời (1×75 + 2×300) W.



Hệ thống cấp điện bằng năng lượng tái tạo tại xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là dự án được thực hiện bởi Sở Công Thương Quảng Ngãi, Viện Năng lượng – Bộ Công Thương và Công ty TNHH Cây Cầu Vàng. Dự án được tài trợ từ chương trìnhHợp tác năng lượng và môi trường Mekong (EEP Mekong) – một chương trình quốc tế tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Phần Lan và Quỹ Bắc Âu nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và công nghệ sạch.

Phạm vi thực hiện của Dự án là lập, phê duyệt Dự án đầu tư và xây dựng kế hoạch hành động để tiến tới các bước tiếp theo. Dự án đề ra quy mô đầu tư xây dựng hệ thống phát điện kết hợp Gió- Mặt trời- Diesel- Ắc quy như sau:
- 01 tua bin gió 10 kW + hệ thống biến đổi.
- 22,08 kWp pin mặt trời + hệ thống biến đổi.
- Dung lượng hệ thống ắc quy 7.200 Ah/ 48 V.
- 02 máy phát diesel 10 kVA + 20 kVA.
- 865 mét đường dây phân phối 220 VAC 2xCV-50mm2.
- 07 hệ thống điện mặt trời hộ gia đình 390 Wp.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 526.227 USD (424. 818 USD từ các nguồn tài trợ và 101.409 USD nguồn vốn đối ứng của Việt Nam). Dự án cũng đã phân tích kinh tế và tài chính để cho thấy với giá bán điện ban đầu của dự án là 0,154 USD/kWh (3.200 VNĐ/kWh) và có lộ trình tăng giá điện theo 5 năm một lần thì có thể đủ chi phí cho công tác vận hành, bảo dưỡng, bảo đảm sự hoạt động lâu dài và bền vững của dự án.

Mục tiêu của dự án là sẽ cung cấp điện cho nhu cầu tối thiểu của toàn bộ dân cư trong xã An Bình, trong đó nhu cầu điện năng được dự kiến 47.122 kWh mỗi năm cho các hộ sống ở khu tập trung, còn 07 hộ sống ở xa khu tập trung dân cư sẽ được cấp điện bằng hệ thống điện mặt trời hộ gia đình. Dự án nếu được đầu tư xây dựng thì nhân dân xã đảo An Bình sẽ được cung cấp điện ổn định, tin cậy từ nguồn phát điện hỗn hợp Gió + Mặt trời + Diesel; góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương.

Phập phù các dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn


Trước khi dự án này ra đời, đã có hàng loạt các dự án khác, với nhiều phương án đầu tư khác nhau, về mặt công nghệ, chi phí, hình thức đầu tư…nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự án nào thành công.

Khởi đầu là dự án điện gió/diezel công suất 3.000 kW vốn đầu tư 6 triệu USD được cấp phép năm 2002 do Công ty TNHH Eden (Hàn Quốc) đầu tư. Nhưng do EVN và chủ đầu tư không thống nhất được giá điện nên dự án đã không triển khai được, ông Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết.(SGGP, 2011)

Tiếp theo là dự án điện gió do Công ty CP Điện gió Lý Sơn (liên doanh 3 nhà thầu Đức) đề xuất vào năm 2007. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, xây dựng mô hình cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng sức gió và máy phát điện Diesel, công suất 8 – 10MW. Trong đó giai đoạn 1 (2007 – 2008) đầu tư 80 tỉ đồng, công suất phát điện 2,5 MW, phục vụ điện sinh hoạt và sản xuất của 4.000 hộ với 20.000 nhân khẩu. Giai đoạn 2 (2008 – 2009) nâng lên 5MW và giai đoạn 3 (đến năm 2012) nâng công suất lên gần 10MW. (Vietnamnet,2007). Tuy nhiên, do không thống nhất được giá điện với EVN (phía chủ đầu tư đưa ra giá 750 đồng/kWh), còn EVN chỉ chấp nhận mua ở mức 500 đồng/kWh. Vậy là, mặc dù dự án đã triển khai giai giai đoạn 1 (2006-2008) với số tiền bỏ ra trên 80 tỷ đồng nhưng không thể phát điện. (SGGP, 2010)

Để giải bài toán điện cho Lý Sơn, năm 2009, Chính phủ đã giao Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 6MW, vốn đầu tư hơn 237 tỷ đồng; trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 3 triệu kWh cấp điện thông suốt 24/24 giờ phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các hộ dân trên đảo. Dự án được khởi công cuối tháng 7-2009, kế hoạch phát điện đầu quý 2 năm 2011. Vậy nhưng, sau 2 năm thi công, chỉ có hai khung nhà ở và nhà điều hành được dựng lên. Trên công trường của dự án hiện tại vắng lặng, chỉ có một xe múc, hai xe ben bất động và vài công nhân lui tới. Nguyên nhân chậm theo ông Nguyên, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, một phần có lẽ do khi thiết kế, chủ đầu tư không khảo sát kỹ địa điểm, vị trí xây dựng nhà máy nên khi đi vào hoạt động, bụi than sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng các hộ lân cận…”. Một nguyên nhân nữa khiến dự án bị “treo” là do Vinacomin và EVN vẫn chưa thỏa thuận được giá bán điện. Bài toán về giá điện lại một lần nữa được đặt ra với dự án nhiệt điện Lý Sơn. Liệu lần này người dân trên đảo có được sử dụng điện ổn định hay không? (SGGP, 2011). Đếntháng 4 năm 2012, lo ngại gây ô nhiễm môi trường, ít hiệu quả kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa quyết định dừng dự án nhà máy nhiệt điện chạy than này. Làm việc với huyện đảo Lý Sơn ngày 13/4, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh việc phát triển nhiệt điện chạy than vừa tốn chi phí cao vừa không mang tính bền vững. Phó thủ tướng chỉ đạo EVN nâng công suất Trạm phát điện Diesel Lý Sơn để nhân dân ở hai xã An Hải và An Vĩnh có điện thắp sáng từ 17 đến 23h.(Vnexpress, 2012)

Tại buổi công bố Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 hướng đến 2020 hôm 6/8/2011, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất phương án đề xuất kéo cáp ngầm 110 KV ra huyện đảo này. Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Quảng Ngãi dẫn chứng Ninh Bình khi làm nhà máy nhiệt điện chạy than đã phải trả giá, nhiều khu dân cư bị phủ màu đen, ô nhiễm môi trường gây xáo trộn lớn cuộc sống người dân. Do vậy, cần ưu tiên đưa dự án kéo tuyến cáp ngầm ra đảo Lý Sơn vào quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng phê duyệt phù hợp với chiến lược phát triển thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh. Nhiều chuyên gia dẫn chứng, hiện tại đã có cáp ngầm từ Rạch Gíá (Kiên Giang) ra đảo Phú Quốc vượt biển 120 km (quãng đường vượt biển dài gấp 4 lần từ đất liền ra huyện đảo Lý Sơn) với tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Do vậy, việc kéo cáp ngầm từ đất liền ra huyện Lý Sơn là khả thi. Trao đổi với VnExpress chiều 6/8, Nguyễn An Tuấn, Viện phó Viện Năng Lượng cho biết cần tính toán kỹ giữa việc xây dựng nhà máy nhiệt điện hay kéo đường dây trung áp ra huyện đảo. Lý Sơn từ lâu được xác định là đảo tiền tiêu của tổ quốc nên dự án kéo cáp ngầm ra đảo đắt hay rẻ không tính đến mà vấn đề là làm sao địa phương này có nguồn điện đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài. (Vnexpress, 2011).

Dân đảo vẫn khát điện


Theo ông Trần Ngọc Nguyên – chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cả huyện có hơn 22.000 dân sinh sống ở ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo Bé). Từ năm 2009, bà con ở hai xã An Hải và An Vĩnh đã được địa phương cấp điện bằng máy phát điện với công suất 1,5MW nhưng mỗi xã chỉ được cấp điện sáu giờ mỗi ngày (từ 17g-23g) theo phương thức cách nhật (cấp cho An Hải thì An Vĩnh bị cắt và ngược lại).

Tỉnh đoàn Quảng Ngãi vào tháng 4/2012, vừa lắp đặt 26 bộ pin năng lượng mặt trời trị giá 400 triệu đồng cho 26 hộ dân xã đảo An Bình (đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn). Nguồn kinh phí do Tỉnh đoàn vận động doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cùng đoàn viên trong tỉnh đóng góp. Ông Trần Minh Hoằng, Phó chủ tịch UBND xã đảo An Bình cho biết: “Năm 2005, Viện Năng lượng Việt Nam triển khai dự án lắp đặt thí điểm 20 bộ pin năng lượng mặt trời cho 20 hộ dân, trị giá trên 20 triệu đồng/bộ. Sau hơn 6 năm sử dụng, hệ thống này phát huy hiệu quả rõ rệt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện địa phương. Từ sau ngày thành lập xã, UBND huyện Lý Sơn cũng cấp cho xã một máy phát điện công suất 15kW, tuy nhiên, do chi phí tiêu thụ nhiên liệu quá cao, thu không đủ chi nên ngân sách địa phương không kham nổi, phải ngừng hoạt động. Đầu năm 2012 chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã đầu tư tiếp 1 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình 106 của Chính phủ để lắp đặt 45 bộ pin năng lượng mặt trời (mỗi bộ trị giá trên 20 triệu đồng) cho 45 gia đình trên đảo. Hiện toàn dân xã đảo An Bình mới chỉ đủ điện thắp sáng. (Nhandan, 2012), (KTNT, 2011) và (Tuổi trẻ, 2012).

Lý Sơn, đảo tiền tiêu giữa gió ngàn Biển Đông

Đảo Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, thuộc tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1992. Là một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, Lý Sơn rất gần với Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, nơi đây còn lưu giữ những bằng chứng lịch sử xác thực về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Đặc biệt, huyện đảo Lý Sơn còn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” với giống tỏi đặc biệt chỉ có duy nhất một nhánh.

Theo truyền thuyết, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông. Còn theo các nhà địa chất, hòn đảo này được hình thành cách đây vài triệu năm từ sự phun trào của các dòng nham thạch của núi lửa. Hiện nay, trên đỉnh ngọn núi Thới Lới vẫn còn đó miệng núi lửa – giờ trở thành hồ chứa nước ngọt tự nhiên, những lớp trầm tích nham thạch xếp nếp, những hang động, cổng đá được tạo thành do sự xâm thực của nước biển.

Huyện đảo Lý Sơn chỉ có diện tích gần 10 km với lượng dân hơn 20 nghìn người, gồm đảo Lớn (xã An Vĩnh, An Hải) và đảo Bé (xã An Bình). Tuy diện tích đảo khá khiêm tốn nhưng lại chứa đựng trong mình lượng di tích khổng lồ. Trên đảo có đến vài chục di tích: đình làng An Vĩnh, Chùa Hang và Âm linh tự (di tích cấp quốc gia). Bên cạnh đó còn nhiều di tích cấp tỉnh và cảnh đẹp như: Đình làng Lý Hải, Chùa Đục, giếng Vua, hang Câu, cổng Tò Vò, miếu bà Chúa Ngọc, dinh Bà Roi, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, các di chỉ, dấu vết văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa…

Nói đến đảo Lý Sơn, người dân đất Việt thường nghĩ ngay đến vị trí tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, như là điểm khởi đầu của quần đảo Hoàng Sa vậy. Điều đó được minh chứng bằng những nét văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo: Lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ tế lính Hoàng Sa – Trường Sa, tục Khao thề (lễ Khao lề thế lính)…

Được biết, “Lễ khao lề thế lính” có cội nguồn từ hơn 300 năm trước đây nhằm tôn vinh sự cống hiến hy sinh và cầu chúc cho hương hồn lính đảo Hoàng Sa – Trường Sa bất tử. Lễ Khao lề thế lính được người dân đảo Lý Sơn tổ chức đều đặn hằng năm. Sau này, được Nhà nước quan tâm, nên Lễ hội được tổ chức ngày càng quy mô và hoành tráng hơn. Vào dịp vào tháng 3 hằng năm, người dân cả nước nô nức về với Lý Sơn để cùng tham dự lễ hội có một không hai này.

Phần lớn, những chuyến đi Hoàng Sa – Trường Sa thời đó là những cuộc ra đi không có ngày trở lại. Vì thế, giờ chia tay lên đường cũng là lúc vĩnh biệt người thân. Chính vì vậy, ngoài vũ khí, lương thực, phương tiện đi biển, mỗi người lính còn được cấp hai chiếc chiếu, bảy sợi dây mây, bảy thanh tre và một thẻ bài ghi tên tuổi, quê hương, đơn vị để khi bất trắc, rủi ro, đồng đội sẽ bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển với hy vọng mong manh rằng sóng gió sẽ đưa hài cốt người chiến sĩ trôi dạt vào đất liền để được an táng trong lòng đất Mẹ. Và cũng chính vì thế, trên đảo Lý Sơn (từ xưa và ngay cả bây giờ) vẫn tồn tại một dạng mộ mà dân gian gọi là “mộ gió” (vì bên dưới không có di hài của người đã khuất, thường là thân xác nằm trong lòng biển khơi). (Nhandan, 2012)

Thiết nghĩ, bên cạnh những chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, Nhà nước cũng cần chú trọng đầu tư đồng bộ hơn nữa cho hệ thống năng lượng trên đảo, bởi lẽ năng lượng là nguồn động lực cho mọi hoạt động sản xuất, là nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt đời sống của nhân dân, là yếu tố đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng kinh tế. Có như vậy, Lý Sơn mới thành hòn đảo tiền tiêu có nền kinh tế phát triển, vững mạnh về an ninh quốc phòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét